Tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm xuống 59,1% trong tháng 1/2021 từ mức 61,7% của cùng kỳ 2020 |
Rau quả sang Trung Quốc giảm
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 01/2021 đạt 309,62 triệu USD, tăng 12,8% so với tháng 12/2020 và tăng 10% so với tháng 01/2020.
Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 01/2021 đã tăng trưởng trở lại, sau khi giảm liên tiếp kể từ tháng 9/2020.
Theo thông lệ hàng năm, thời điểm trước Tết Nguyên đán Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu hàng rau quả để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng cao tại thị trường nội địa. Vì vậy, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc trong tháng 01/2021 đạt 182,92 triệu USD, tăng 24,4% so với tháng 12/2020, tăng 5,4% so với tháng 01/2020.
Tháng 01/2021 cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam có sự dịch chuyển rõ nét, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm xuống còn 59,1%, từ mức 61,7% trong tháng 01/2020. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ tăng từ 3,9% lên 4,3%, Thái Lan từ 5,0 lên 5,2%, thị trường Đài Loan từ 1,3% lên 2,9%....
Năm 2020, xuất khẩu rau quả đạt 3,27 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm 2019. Xuất khẩu hàng rau quả giảm mạnh trong năm 2020 là do xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam giảm mạnh. Trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc trong năm 2020 đạt 1,84 tỷ USD, giảm 25,7% so với năm 2019.
Cần phải nói thêm, dù Việt Nam giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng thị trường này năm qua vẫn tăng nhập khẩu rau quả từ nhiều thị trường lớn khác. Nhập khẩu trái cây của Trung Quốc năm 2020 đạt 10,26 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam năm 2020, Thái Lan là thị trường nhập khẩu tăng rất mạnh trong năm 2020. Trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang Thái Lan đạt 157,16 triệu USD, tăng 109,7% so với năm 2019. Ngoài thị trường Thái Lan, hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng khá như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường Đài Loan, Hà Lan, Úc, Nga.
Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam năm 2019 - 2021 (Đơn vị: Triệu USD). Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Triển vọng 2021
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong quý 1/2021 vẫn gặp nhiều khó khăn, mặc dù xuất khẩu trong tháng 01/2021 tăng trưởng khá. Trong tháng 2/2021, dịp nghỉ lễ Tết nguyên Đán kéo dài làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng rau quả. Làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.
Nhìn rộng ra cả năm, xuất khẩu hàng rau quả năm 2021 của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực, đặc biệt là EVFTA và UKVFTA đang được các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp tận dụng tốt.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, xuất khẩu trái cây tươi cận Tết rất khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước diễn biến phức tạp. Từ tháng 1 tới nay, Công ty chủ yếu xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc, xoài tượng, vú sữa, bưởi, thanh long sang Mỹ, Úc, Trung Quốc.
Đại diện Nafoods Group, nhà sản xuất, xuất khẩu trái cây đi EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... chia sẻ: Dịch Covid-19 vô tình giúp đơn vị thu hút được nhiều đơn hàng và khối lượng lớn hơn trong mảng trái cây. Nguyên nhân là dịch bệnh bùng phát các khách hàng lớn không bay đến Việt Nam để tìm nhà cung cấp mới mà đặt hàng ở các nhà cung cấp uy tín, lớn và ổn định, giúp Nafoods nhận được thêm những đơn hàng đáng ra thuộc về nhà cung cấp nhỏ. 2021 tiếp tục được Nafoods duy trì các đơn hàng cho khách hàng hiện có và kỳ vọng tăng trưởng ở những mặt hàng thế mạnh như chanh leo, dừa, và rau củ quả đông lạnh IQF, trái cây sấy...
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát hiện nay càng cho thấy ngành rau, quả cần phải tái cơ cấu thị trường, mở cửa và đa dạng hóa sản phẩm, tránh rủi ro vì phụ thuộc vào những thị trường nhất định.
Theo đó, chế biến nông sản sẽ được tăng cường, dự kiến đến năm 2030, tốc độ tăng giá hàng nông sản qua chế biến sẽ đạt 7 - 8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao đạt 30% trở lên; trên 50% cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến.