Biểu tượng của hãng ô tô Renault. Ảnh: AFP/TTXVN |
"Ông lớn" ngành ô tô Pháp Renault và hãng xe Nhật Bản Nissan đã đạt được thỏa thuận trên vào ngày 30/1. Liên minh này cho hay, thỏa thuận vẫn đang chờ sự phê chuẩn của hội đồng quản trị. Thỏa thuận sẽ giúp cân bằng tỷ lệ sở hữu chéo của hai hãng xe, cho phép họ "tự do thực hiện quyền biểu quyết gắn liền với 15% cổ phần trực tiếp của họ, với mức trần 15%".
Với cấu trúc hợp tác mới, Renault sẽ chuyển 28,4% cổ phần của Nissan thành một quỹ tín thác của Pháp.
Theo thông cáo ngày 30/1, quyền biểu quyết trong quỹ ủy thác sẽ được "vô hiệu hóa" đối với hầu hết các quyết định, nhưng các quyền lợi kinh tế (cổ tức và tiền bán cổ phần) vẫn sẽ hoàn toàn có lợi cho Renault cho đến khi những cổ phiếu đó được bán ra.
Renault sẽ hướng dẫn bên được ủy thác bán những cổ phần đó nếu "hợp lý về mặt thương mại" và là một phần của "quy trình có trật tự và sự phối hợp".
Renault và Nissan lần đầu tiên ký kết liên minh vào tháng 3/1999, sau đó mở rộng liên minh này vào năm 2016 để bao gồm cả đối tác cấp dưới Mitsubishi Motors.
Hai bên đạt được thỏa thuận ngày 30/1 sau nhiều tháng thảo luận căng thẳng về việc tái cấu trúc liên minh ô tô Pháp - Nhật. Trong nội dung thỏa thuận, Nissan sẽ đầu tư vào Ampere, một đơn vị chuyên sản xuất xe điện của Renault. Ngoài ra, hai công ty này sẽ bắt tay vào "các dự án vận hành tạo ra giá trị cao" ở Mỹ Latinh, Ấn Độ, và châu Âu.
Vào tháng 11/2022, Renault thông báo họ đã ký một thỏa thuận khung không ràng buộc với hãng xe Geely của Trung Quốc để thành lập một công ty mới chuyên sản xuất hệ truyền động hybrid (động cơ lai) và hệ truyền động ICE (động cơ đốt trong) "hiệu suất cao".
"Gã khổng lồ" ngành ô tô Pháp cũng đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược lâu dài với nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ.