Mục tiêu của dự án theo báo cáo tiền khả thi là nhằm phục hồi môi trường nước trước hai nguồn chất thải chính và các biện pháp thực hiện, gồm: thu gom và xử lý dầu nổi và rác thải rắn trôi nổi; thu gom và xử lý chất thải từ tàu du lịch. Phạm vi không gian của dự án là khu vực rộng 538km2, bao gồm vùng lõi Di sản Vịnh Hạ Long, vùng ven bờ biển TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và một phần giáp ranh huyện Vân Đồn.
Các hạng mục đầu tư chính của Dự án gồm: các hạng mục xử lý chất thải (01 nhà máy đốt rác tạo năng lượng điện với công suất thiết kế 100 tấn/ngày; 05 hệ thống xử lý nước đen); các hạng mục thu gom chất thải (9 cụm 54 bể nổi Septikon để thu gom và lưu trữ rác thải, 2 tàu thu gom chất thải, hệ thống cầu cảng và bến cảng để 2 tàu thu gom neo đậu, vận chuyển chất thải).
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì buổi làm việc. |
Thời gian thực hiện dự án là 10 năm, từ 2017-2026, chia thành 2 giai đoạn. Trong 5 năm đầu(2017-2022) sẽ thực hiện các hợp đồng EBOT (thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao); 5 năm tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh sẽ vận hành dự án. Khái toán kinh phí dự án là 125 triệu USD/10 năm. Phía công ty cũng đưa ra những nguồn tài chính để tỉnh Quảng Ninh tiến hành dự án, bao gồm việc vay vốn ODA, và từ nguồn thu từ dự án như bán điện, thu từ xử lý rác thải, thu từ chứng chỉ phát thải CO2…
Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu đơn vị tư vấn xem xét một số vấn đề như: về thiết bị xử lý môi trường, thì cần nghiên cứu đặt thiết bị thu gom trên bờ; thiết bị thu gom rác thải rắn trên Vịnh phải có cải tiến đảm bảo đẹp, thân thiện với môi trường.
Đối với vị trí của nhà máy xử lý rác thải, cần phải làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Indevco, Nhà máy xử lý rác thải Khe Giang (Uông Bí) và TX Quảng Yên để tìm ra vị trí phù hợp nhất. Đồng thời nghiên cứu lại phương án xử lý nước đen; xem xét lại địa điểm trung chuyển rác, trong đó phương án phù hợp nhất là tại Cảng tàu khách Tuần Châu, nhưng cần đảm bảo vệ sinh, tốc độ luân chuyển rác nhanh chóng.
Cùng với đó, đơn vị tư vấn cũng cần tính toán lại chi phí đầu vào của dự án để tăng tính khả thi, đồng thời phải làm rõ phương án bán điện và các nguồn thu khác như phát thải CO2. Về thời gian triển khai, cần báo cáo lại tỉnh vào giữa tháng 9 năm nay để có phương án cụ thể.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Rent A Port và quỹ Westpac Belgium (Đối tác của Bỉ) cũng về nội dung Báo cáo tiền khả thi đề án nghiên cứu về việc xác định, đánh giá thực trạng ô nhiễm, các giải pháp và công nghệ làm sạch Vịnh Hạ Long và chuyển chất thải thu gom được thành điện năng. Bản báo cáo khi đó đã đưa ra dự toán khoản tài chính cần thiết để thu gom và tái sử dụng khối lượng chất thải ô nhiễm hiện nay trên Vịnh Hạ Long khoảng 129 triệu USD.
Được biết, dự án này được thực hiện sau buổi tiếp xúc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và bà Christine Defraigne, Chủ tịch Thượng viện Bỉ tại Thành phố Hạ Long trong năm 2015.