Đổi trụ sở, tên công ty và định hướng đầu tư vào bất động sản
Theo đó, Ricons đã thực hiện đổi trụ sở từ tầng 1, 53-55 Bà Huyện Thanh Quan, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM sang địa chỉ mới 96 Phan Đăng Lưu, Phường 5, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons trong buổi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 (Nguồn: Newtecons) |
Được biết, địa chỉ 96 Phan Đăng Lưu là toàn nhà Newtecons Tower, trụ sở chính của CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons.
Bên cạnh đó, nhằm gia tăng lợi nhuận cho công ty, trong năm 2022, Ban điều hành cũng đề xuất đầu tư bất động sản (BĐS) bên cạnh ngành xây dựng cốt lõi của doanh nghiệp với tiêu chí đầu tư có chọn lọc, đầu tư BĐS cơ hội, đầu tư chung với các chủ đầu tư tại các dự án có pháp lý rõ ràng, các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.
Về kế hoạch IPO, Ricons cho rằng trước những diễn biến phức tạp của thị trường hiện nay, việc đưa cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là chưa thực sự thích hợp. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, HĐQT dưới sự ủy quyền của ĐHĐCĐ sẽ tiếp tục cân nhắc và lựa chọn thời điểm tốt nhất để thực hiện việc này với mục đích đem lại lợi ích tối đa cho toàn bộ cổ đông của Ricons.
Quý I/2022, lợi nhuận Ricons giảm và dòng tiền âm 226,4 tỷ đồng
Trước đó, công ty công bố Báo cáo tài chính quý I/2022. Cụ thể, Ricons ghi nhận doanh thu đạt 2.015,76 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 20,78 tỷ đồng, lần lượt tăng 65,7% và giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 5,9% về chỉ còn 2,6%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 26,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 19,43 tỷ đồng về 52,9 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 28,5%, tương ứng tăng thêm 2,72 tỷ đồng lên 12,27 tỷ đồng; chi phí tài chính bất ngờ ghi 4,88 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 22,9%, tương ứng giảm 11,73 tỷ đồng về 39,5 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 4,99 tỷ đồng lên 5,16 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), quý I/2022, công ty ghi nhận lợi nhuận cốt lõi giảm 59,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 12,58 tỷ đồng về 8,52 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận hoạt động cốt lõi giảm mạnh trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 12% chủ yếu do công ty tăng doanh thu tài chính và ghi nhận lợi nhuận khác tăng mạnh.
Trong năm 2022, Ricons đặt kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 25% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Ricons mới hoàn thành 20,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 226,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 97,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 3,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 340,5 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong kỳ công ty đã tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính.
Được biết, dòng tiền kinh doanh năm 2020 của Ricons dương 378,9 tỷ đồng và năm 2021 âm 766,9 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Ricons tăng 1,4% so với đầu năm lên 6.315,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.850,4 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 736,9 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản; tồn kho đạt 663,3 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng tài sản.
Trong kỳ, tồn kho tăng 71,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 275,8 tỷ đồng lên 663,5 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 9,4%, tương ứng giảm 401,7 tỷ đồng về 3.850,4 tỷ đồng.
Cơ cấu phải thu ngắn hạn của Ricons tới 31/3/2022 (Nguồn: BCTC). |
Xét về cơ cấu phải thu ngắn hạn, chủ yếu là 3.201,6 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng. Trong đó, Công ty chỉ thuyết minh khách hàng lớn nhất là CTCP Tập đoàn Ecopark với giá trị 413,4 tỷ đồng và còn lại 2.807,8 tỷ đồng là khách hàng khác.
Bên cạnh đó, trong kỳ tổng nợ vay ngắn hạn tăng 142,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 341 tỷ đồng lên 580,8 tỷ đồng và chiếm 9,2% so với đầu năm. Như vậy, trong quý đầu năm, Công ty đã tăng vay nợ nợ ngắn hạn.