Đây là hai ngành học mới mà RMIT Việt Nam sẽ ra mắt trong tháng 8 và triển khai vào học kỳ 3 năm học 2019. Cả hai ngành Quản trị Nguồn nhân lực và Kinh doanh Kỹ thuật số đều đưa phương pháp Học tập từ thực tiễn công việc WIL vào giảng dạy. Phương pháp này bao hàm các dự án dựa vào tình huống thực trong ngành, các tình huống giả định hoặc bố trí công việc thực thụ.
Phó giáo sư Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị tại RMIT Việt Nam cho biết, hai chương trình mới sẽ đáp ứng nhu cầu nhân sự cho ngành quản trị nguồn nhân lực đang ngày càng tăng cao, cũng như cho các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhờ những đột phá trong kỹ thuật số.
RMIT dành 4 suất học bổng 50% học phí cho các sinh viên theo học ngành mới của trường |
Ông Nkhoma dự báo, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới đặt ra những đòi hỏi về một thế hệ chuyên gia nhân sự mới - những người được trang bị kiến thức mới nhất và bộ kỹ năng cần thiết giúp giải quyết những thách thức hiện nay tại các công sở.
Được sự công nhận của Viện Khoa học Quản lý nguồn nhân lực Australia, chương trình Quản trị Nguồn nhân lực sẽ cho sinh viên học ngành này bằng cấp đạt tiêu chuẩn được công nhận dành cho chuyên gia nhân sự. Bên cạnh đó, nội dung học được kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và kỹ năng thực hành, bao hàm tất cả các khía cạnh về quản lý con người trong một tổ chức như quan hệ tuyển dụng, sức khỏe và an toàn lao động, sức khỏe tâm thân, phát triển nhân lực, quản lý hiệu suất làm việc trong tổ chức, quản lý nhân sự quốc tế, đàm phán và ủng hộ.
Đối với ngành Kinh doanh Kỹ thuật số, Phó giáo sư Nkhoma cho biết khái niệm kinh doanh kỹ thuật số còn khá mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Công Thương, ngành này lại đang trên đà tăng trưởng tốt, với tổng giá trị đạt 5 tỷ USD vào năm 2016 và con số này được dự báo sẽ tăng lên 10 tỷ USD vào năm 2021.
Theo ông Nkhoma, những tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực này gồm Lazada, Shopee…, các doanh nghiệp hợp tác hoạt động như Grab, Luxstay, hay các công ty fintech.
Do đó, sinh viên được đào tạo theo chuyên ngành này sẽ có khả năng sẵn sàng làm việc trong kỷ nguyên số, nắm giữ những vai trò lãnh đạo và quản trị trong các tổ chức như các cơ quan thuộc chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp kỹ thuật số, doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số và các công ty tài chính công nghệ.