Đầu tư
Rõ dần cơ chế lấy cao tốc “nuôi” cao tốc
Anh Minh - 27/07/2023 08:25
Những điều kiện cần và đủ để có thể sớm kích hoạt cơ chế thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư đang tiếp tục được cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm rõ.
Một đoạn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do Nhà nước đầu tư 100% vốn      Ảnh: Dương Giang

Nhiệm vụ cấp bách

Giữa tuần trước, Cục Đường bộ Việt Nam có Công văn số 4661/CĐBVN - TC gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về cơ chế thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Trước đó, vào ngày 10/7/2023, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc, yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan về phương án thí điểm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, hoàn thiện cơ chế thu phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư để trình Bộ xem xét, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Cần phải nói thêm rằng, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành GTVT mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã giao các đơn vị liên quan của Bộ phải sớm hoàn thiện phương án thu phí cao tốc đầu tư công để trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua.

“Đây là nhiệm cấp bách, do thời gian tới sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc đầu tư công đưa vào khai thác. Nhiệm vụ này sẽ được Bộ đưa vào để đánh giá kết quả công việc của lãnh đạo các đơn vị hàng tháng”, ông Thắng chỉ đạo.

Để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, theo ước tính ban đầu, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng. Tổng số vốn mà Nhà nước cần huy động để đầu tư 100% hoặc tham gia vào các dự án PPP cao tốc cần hơn 400.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, yêu cầu kinh phí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc hàng năm sẽ rất lớn, tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 là 9.067 tỷ đồng, bình quân 1.813 tỷ đồng/năm.

Được biết, tại Dự thảo Luật Đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào đầu tháng 7/2023, thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km xe chạy trên đường đã bổ sung nhằm luật hóa chủ trương thu hồi vốn đầu tư công để hoàn trả vào ngân sách.

Cụ thể, Điều 43, Dự thảo Luật Đường bộ quy định: Phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông tính theo số km xe chạy trên tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trên cơ sở Dự thảo Luật Đường bộ và góp ý của các bộ, ngành, trước mắt sẽ tập trung xây dựng phương án thu phí các dự án nhà nước đầu tư đã được Quốc hội định hướng xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư để hoàn trả ngân sách và hoàn thiện pháp luật về cơ chế thu phí.

Mặc dù không điểm cụ thể các tuyến cao tốc sẽ được áp dụng cơ chế thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, nhưng theo thống kê của Báo Đầu tư, khi phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sử dụng 100% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Dự án Đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP.HCM, Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I, Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I và Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I, Quốc hội đều định hướng rất rõ cần xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư.

Tại Công văn số 4661, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí; bổ sung phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí. Tên gọi của loại phí này được Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất là “Phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư”, phạm vi áp dụng là tất cả các đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, có đường bộ song hành.

Mở rộng phạm vi thu

Về mức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ kiến nghị xác định trên ba nguyên tắc cơ bản: phù hợp với lợi ích của người sử dụng đường cao tốc; được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước nhằm bố trí kinh phí bảo trì dự án và hoàn vốn đầu tư; được tính toán theo từng đoạn/tuyến đường bộ cao tốc cụ thể, đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.

Về nguyên tắc phân chia số tiền thu được đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phân chia theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư tham gia vào dự án.

Toàn bộ số tiền phí thu được sẽ nộp ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách, trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hỗ trợ các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác.

Về phương thức thực hiện, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản theo quy định pháp luật về quản lý tài sản công.

So với những nội dung trong Công văn số 4069/BGTVT - TC được Bộ GTVT gửi các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ vào đầu tháng 4/2023, đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam có 2 điểm thay đổi nổi bật là không còn bó hẹp danh sách 9 tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam được chọn thí điểm và một phần số phí thu được sẽ được dùng cho các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác.

Tại Công văn số 4069/BGTVT - TC, Bộ GTVT đề xuất 9 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025 để thực hiện thí điểm theo cơ chế phí.

Các tuyến cao tốc được chọn bao gồm cao tốc TP.HCM - Trung Lương và 8 đoạn tuyến thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.

Thời gian thực hiện thí điểm được Bộ GTVT kiến nghị áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua. Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn/tuyến đường bộ được triển khai thu phí. Sau thời gian thí điểm thu nêu trên, sẽ có đánh giá, tổng kết đề xuất cơ chế phù hợp.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ, bản chất của phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư chính là việc “lấy cao tốc để nuôi cao tốc”.

“Trong bối cảnh Nhà nước không nhiều nguồn lực để mở rộng đầu tư mạng đường cao tốc, việc “thả rông” các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ gây lãng phí lớn. Thực tế, từ việc dừng thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương không chỉ gây thất thu ngân sách, mà còn khiến tuyến cao tốc đạt chuẩn này tụt hạng thành quốc lộ hạng xoàng, tốc độ hành trình thực tế chỉ còn đạt dưới 60 km/h do các xe container và xe tải hạng nặng đã bỏ Quốc lộ 1 tràn lên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương để đi miễn phí”, ông Chủng phân tích.

Tin liên quan
Tin khác