Chuyển động thị trường
Rộn rã những cuộc gọi mua nhà đất đầu năm
Thanh Vũ - 03/01/2024 15:54
Đối với môi giới viên, những cuộc gọi từ khách hàng không chỉ đơn thuần mở ra cơ hội việc làm, mà còn là chỉ báo cho thấy thị trường đang nhen nhóm một nguồn sinh khí mới.

Tất bật từ ngày đầu tiên

Với những môi giới viên như anh Chiến Nguyễn (thành viên của đơn vị nghiên cứu thị trường SPE.R), khái niệm ngày nghỉ lễ gần như không tồn tại.

Ngay từ ngày đầu tiên của của năm 2024, anh Chiến Nguyễn đã nhận được 5 cuộc gọi hỏi mua nhà đất. Điều đáng nói là những vị khách giờ đây đã không còn giữ tâm thế thám thính thị trường. Thay vào đó, họ đã nghiêm túc hơn trong việc xuống tiền, thậm chí là sẵn sàng thương thảo càng sớm càng tốt.

“Điểm chung của hầu hết người mua là họ đều than phiền rằng lãi suất tiền gửi quá thấp. Với những người không biết rót vốn vào đâu và chưa có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, họ thường bỏ tiền vào bất động sản, đặc biệt là những sản phẩm ở vị trí trung tâm”, anh Chiến Nguyễn chia sẻ. 

Nhiều bất động sản hạng sang đã có mức giá "dễ chịu" hơn. Ảnh: Regal Homes 

Sau nhiều năm làm nghề tại khu vực Đà Nẵng, người môi giới viên này cho biết thị trường bất động sản tại đây đang ở vùng đáy. Trên thị trường thứ cấp, một số căn biệt thự đã được nhà đầu tư “cắt lỗ” sâu, giảm từ 15,4 tỷ đồng xuống còn gần 10 tỷ đồng. 

Dẫu vậy, người mua giờ đây đã trở nên cẩn trọng hơn và không còn vội vàng “bắt đáy” như trước. Những bất động sản muốn “lọt mắt xanh” của nhà đầu tư thường sẽ phải nằm ở vị trí trung tâm thành phố và có khả năng tạo ra dòng tiền nhờ việc cho thuê.

Riêng với căn hộ chung cư, phân khúc này luôn trong trạng thái “cháy hàng” ở mọi thời điểm, bất chấp đầu năm hay cuối năm. Nhiều dự án tại Đà Nẵng sau khoảng thời gian ngắn mở bán đã đạt tỷ lệ hấp thụ lên tới 90%.

Tuy nhiên, không phải phân khúc nào tại thành phố biển cũng nhận về nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Chẳng hạn, các dự án condotel, đa phần khách hàng vẫn có tâm lý e dè và lo ngại về vấn đề pháp lý. 

Theo anh Chiến Nguyễn, “bóng ma” Cocobay đã trở thành một nỗi ám ảnh cho cả người bán và khách mua. Nỗi sợ này càng nhân lên khi nhiều dự án condotel tại đây vẫn chưa được cấp sổ, kể cả khi Nghị định số 10/2023/NĐ-CP đã được ban hành.

Tại Hà Nội, chị Nguyễn Ngọc Hà (nhà đầu tư địa ốc) cũng đang tất bật với những chuyến “săn đất” đầu năm. Không còn là những khu vực vùng ven xa xôi, chị Hà đang tập trung tìm kiếm cơ hội ở những địa điểm có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng.

“Tôi đang dành sự quan tâm đặc biệt đối với khu vực Đông Anh. Nơi đây đang là ‘điểm nóng’ của giới đầu tư, do sắp được lên quận. Ngay từ quý III và quý IV của năm ngoái, các ‘cá mập’ đã rục rịch tìm mua đất tại địa phương này”, chị Hà tiết lộ. 

Không chỉ vậy, chị Hà còn cho biết nhiều nhà đầu tư đang giữ một lượng lớn tiền mặt. Hầu hết người mua đất đợt này chỉ dùng đòn bẩy tài chính từ 30% trở xuống. Việc lãi suất huy động giảm còn khoảng 5,4%/năm (kỳ hạn 12 tháng) đã khiến nhiều người rút tiền ra khỏi ngân hàng và dồn lực cho bất động sản.

Thị trường đang từng bước vượt khó

Nguồn cung chung cư dự kiến sẽ được cải thiện trong năm 2024. Ảnh: The Privia Khang Điền

Không chỉ ở phía người mua, các doanh nghiệp địa ốc cũng có những ngày đầu năm 2024 đầy bận rộn. Chẳng hạn, với chủ đầu tư Khang Điền, đơn vị này đang tấp nập mở bán giai đoạn 1 của dự án The Privia (quận Bình Tân, TP.HCM). Người mua nhà trong thời điểm này còn được tặng từ 1 đến 3 chỉ vàng, tùy theo từng loại căn hộ.

Ở một phân khúc đắt đỏ hơn, Phú Mỹ Hưng đang mở bán dự án The Aurora (quận 7, TP.HCM). Với định vị là một sản phẩm cao cấp, giá bán căn hộ tại đây rơi vào khoảng 90 - 100 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng tung ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn như hỗ trợ lãi suất 0% và ân hạn nợ gốc trong 30 tháng.

Tại tỉnh Bình Dương, Vạn Xuân Group cũng chuẩn bị mở bán căn hộ tại dự án Happy One Central. Chủ đầu tư này “chơi lớn” tới mức sẵn sàng chiết khấu thêm 0,75% và tặng 2 chỉ vàng cho những khách đặt cọc sớm. 

Những dự án kể trên là minh chứng cho thấy thị trường bất động sản đang từng bước trở nên sôi động hơn. Trong đó, động lực mạnh mẽ nhất giúp thúc đẩy nguồn cung dự án chính là động thái tích cực tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các cơ quan ban ngành.

Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), khoảng 70% khó khăn vướng mắc của thị trường liên quan đến cơ chế chính sách, pháp lý, đặc biệt là liên quan đến khó khăn về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, đấu giá đất.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, “bài toán” pháp lý đang dần được hóa giải. Tính đến đầu tháng 9/2023, Sở Xây dựng TP.HCM đã giải quyết vướng mắc cho 67 dự án. Tại Hà Nội, con số này lên tới 419 dự án.

Thậm chí, trong những ngày cuối cùng của năm 2023, UBND TP.HCM còn cho biết tổ công tác đã tháo gỡ thêm cho 3 dự án đầu tư trên địa bàn. Hiện vẫn còn 12 dự án khác đang được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo.

Nhìn nhận một cách tổng quan, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, cho biết sự sôi động của thị trường bất động sản trong năm 2024 sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố, bao gồm kinh tế vĩ mô, dòng tiền trong xã hội và nguồn cung. 

Đến thời điểm hiện tại, lãi suất ngân hàng tiết kiệm đã giảm so với đầu năm 2022 và có chiều hướng sẽ tiếp tục giảm. Điều này sẽ kéo lãi suất cho vay giảm theo trong năm 2024. Qua đó, nhiều khách hàng sẽ tự tin hơn khi sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà.

Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cũng được dự báo sẽ cải thiện dần trong năm 2024. Bằng chứng là việc nhiều chủ đầu tư đã liên tục “bung hàng” hoặc khởi công, cất nóc dự án trong 6 tháng cuối năm 2023. Sự thay đổi này sẽ làm giảm tình trạng khan hàng và làm “hạ nhiệt” giá nhà.

“Các điểm này sẽ cần thời gian để gặp nhau và tạo ra sự hứng khởi trên thị trường bất động sản nhà ở. Chúng tôi dự đoán thời điểm này rơi vào quý II hoặc quý III/2024”, bà Trang Bùi bình luận.

Tin liên quan
Tin khác