Năm 2021 dù còn những khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục, với mức tăng trưởng có thể lên tới 6,5-7%. |
Đà hồi phục này, trên thực tế, đã bắt đầu vào quý III/2020 và được dự báo tiếp tục trong năm tới, khi thu hút đầu tư nước ngoài, thương mại hàng hóa, sản xuất công nghiệp tăng trở lại. Dự báo, sau khi chỉ tăng trưởng 2-3% trong năm 2020, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6% năm tới.
Đây cũng là mức tăng trưởng đang được Chính phủ đặt ra và làm mục tiêu phấn đấu cho năm tới. Nhưng trên thực tế, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế và cả trong nước đều cho rằng, năm 2021 dù còn những khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục, với mức tăng trưởng có thể lên tới 6,5-7%.
Kinh tế hồi phục sẽ mở toang cánh cửa để các dòng đầu tư đổ vào nền kinh tế, sau khi bị trì hoãn bởi Covid-19 trong năm 2020. Điển hình là dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Vì không thể đi lại, gặp gỡ, vì gặp khó khăn trong đàm phán, trong thẩm định doanh nghiệp…
Sang năm 2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, khi giao thương thuận lợi, có thể các quyết định mới sẽ được đưa ra, không chỉ với thương vụ M&A, mà cả dự án đầu tư mới. Dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển để định vị lại chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, vì Covid-19 mà được thúc đẩy nhanh hơn, nhưng cũng vì Covid-19 mà bị tắc nghẽn, sẽ trở nên thông suốt hơn.
Có quá nhiều lý do để kỳ vọng luồng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong năm tới sau khi giảm sút đáng kể trong năm 2020. Các tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể coi là ví dụ điển hình.
Không chỉ là EVFTA, nhiều thông tin cho biết, có thể, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ được ký kết ngay trong tuần này, với hình thức trực tuyến. RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại cục diện mới cho thương mại và khu vực và quốc tế.
Thêm vào đó, thế giới cũng đang kỳ vọng, khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, thì Mỹ sẽ quay trở lại với TPP bởi khi còn là Phó tổng thống, ông Joe Biden đã rất ủng hộ hiệp định này.
Các hiệp định thương mại này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam, bao gồm cả việc gia tăng luồng đầu tư nước ngoài. Việt Nam, vốn là một địa điểm đầu tư hấp dẫn, sẽ còn hấp dẫn hơn nữa.
Không chỉ là vốn đầu tư nước ngoài sẽ tích cực hơn, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, xu hướng hồi phục của nền kinh tế đã và đang tạo ra nhiều xu hướng cùng cơ hội đầu tư, kinh doanh mới, bao gồm cả các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán. Các thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp cũng trở nên rất hấp dẫn. Các thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp cũng tương tự…
Chưa nói tới các hình thức đầu tư mới, như forex, như tiền ảo hay kênh hàng hóa phái sinh…, đang nở rộ trong thời gian gần đây, chỉ riêng các kênh đầu tư truyền thống, kể cả vào vàng hay USD, cũng có thể kéo một luồng tiền không nhỏ đổ vào nền kinh tế.
Điều đó, tất yếu sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng, mà còn mang lại cơ hội để các nhà đầu tư và doanh nghiệp biến “nguy” thành “cơ” trong trạng thái “bình thường mới”.
Tuy vậy, vẫn còn những vấn đề cần lưu tâm. Về phía Chính phủ, cần chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận luồng vốn mới, cần có cả cơ chế, chính sách để làm sao nền kinh tế hấp thụ được dòng vốn đó, làm sao để luồng tiền đi đúng hướng, đúng những lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn phát triển. Về phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, lời khuyên từ các chuyên gia là thận trọng, bởi bối cảnh hiện nay, dù có rất nhiều kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng vẫn có không ít lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, ví dư như forex, đầu tư đa cấp…
Dù “cửa” đầu tư là rất rộng khi kinh tế hồi phục, nhưng việc lựa chọn cửa nào hiện phụ thuộc rất nhiều vào sự khôn ngoan của nhà đầu tư.