Đầu tư
Rốt ráo “thúc” giải ngân vốn đầu tư công
Hà Nguyễn - 06/05/2022 11:01
Một phần ba chặng đường của năm đã qua đi, nhưng giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 18,48% kế hoạch. Một lần nữa, chuyện “thúc” giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ chỉ đạo rốt ráo.
Thi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Nha Trang.



“Thúc” giải ngân đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Các tổ công tác này chịu trách nhiệm kiểm tra, đốc thúc tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao, cũng như có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Như vậy, một lần nữa, Chính phủ buộc phải thành lập các đoàn công tác để “thúc” giải ngân vốn đầu tư công. Lý do rất dễ hiểu là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sau 4 tháng đầu năm vẫn còn thấp. Thậm chí, báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2022 cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã coi đây là một trong những thách thức, khó khăn của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tính đến ngày 25/4, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn chưa phân bổ chi tiết trên 38.578 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án, bằng 7,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm đạt 18,48% kế hoạch được giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%); trong đó, vốn trong nước đạt 19,57%, vốn nước ngoài đạt 3,25%.

Điều đáng nói, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 4/2022, có 12/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, có 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%; trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Như vậy, số lượng các bộ, ngành, địa phương thuộc diện “được” các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ “viếng thăm” là rất lớn. Trong danh sách được chỉ ra tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập 6 tổ công tác, có 76 bộ, ngành, địa phương thuộc diện này. Có nghĩa rằng, nhiệm vụ của các tổ công tác là khá nặng nề.

Trên thực tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022 cơ bản tương tự các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

“Nguyên nhân rất đa dạng, song mỗi bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Vì  vậy, yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Mạnh tay siết kỷ luật, kỷ cương

Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng có rất nhiều giải pháp mạnh tay để thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo các ban quản lý dự án mạnh tay cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu thi công yếu kém và sẽ xử lý nhà thầu vi phạm nếu tiến độ không được cải thiện.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, một loạt dự án đang chậm tiến độ, như Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hay đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận… Theo kế hoạch, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km phải hoàn thành vào cuối năm nay, nhưng mới thực hiện được trên 32% giá trị hợp đồng, chậm tiến độ khoảng 4 tháng so với kế hoạch ban đầu và chậm khoảng 2 tháng so với kế hoạch điều chỉnh.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, trường hợp nào chậm, phải có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ để “bù” phần đã chậm, làm sao đến cuối quý II, đảm bảo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành và địa phương cần quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm. “Hiện vẫn còn một số ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, cần tập trung triển khai các thủ tục để giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo kế hoạch”, ông Nguyễn Đức Trung chỉ đạo.

Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh việc đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa nhấn mạnh, người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân, cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.

Cùng với đó, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các dự án để sớm hoàn thành, tạo động lực mới nhằm phát triển bền vững...

Tuy nhiên, đẩy nhanh tiến độ giải ngân chỉ là một vế của vấn đề. Vế bên kia, không kém phần quan trọng, là phải kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm…

“Phải tăng cường sự giám sát của các cơ quan chuyên trách và nâng cao khả năng tham gia cộng đồng vào việc giám sát các dự án đầu tư công”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp có nhiều, gồm cả tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần, có cả nguyên nhân liên quan đến thiếu hụt vật liệu xây dựng, thép do giá cả tăng cao khiến nhiều công trình chậm tiến độ… Song nguyên nhân chủ yếu vẫn là công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập.
Tin liên quan
Tin khác