Tập trung giải ngân đầu tư công là động lực giúp tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Thi công đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Đ.T |
Hơn 780 tỷ đồng có nguy cơ bị “bỏ phí”
Con số 782 tỷ đồng có thể không quá lớn so với tổng phần chi 176.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình Phục hồi), càng là không đáng kể so với tổng nguồn lực đầu tư công hơn 700.000 tỷ đồng của năm nay, nhưng trong bối cảnh nguồn lực có hạn, đó vẫn là một ngân khoản quý giá. Tiếc là, ngân khoản đó có thể bị bỏ phí.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển của Chương trình Phục hồi, đã có trên 161.848 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch. Số vốn hơn 14.151 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ phương án phân bổ trên 13.369 tỷ đồng.
Như vậy, vẫn còn hơn 782 tỷ đồng. Số vốn này bao gồm gần 773 tỷ đồng dự kiến cho 5 dự án của TP.HCM và các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai và hơn 9 tỷ đồng còn dư do một số dự án phê duyệt tổng mức đầu tư thấp hơn mức vốn Thủ tướng Chính phủ thông báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phân bổ tiếp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư buộc phải làm việc này là vì 5 dự án nói trên vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đồng thời cũng đã nói rõ rằng, UBND các tỉnh, thành phố nói trên phải “chịu trách nhiệm toàn diện” trước Thủ tướng, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc chậm trễ trong phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc Chương trình Phục hồi.
Không chỉ là 5 dự án này, một thông tin quan trọng được báo cáo Chính phủ, đó là tính đến hết tháng 3/2023, vẫn còn trên 89.799 tỷ đồng chưa được phân giao chi tiết, chiếm 12,7% kế hoạch.
Trong khi đó, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3/2023 mới đạt trên 73.192 tỷ đồng, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, tỷ lệ giải ngân quý I/2023 thấp hơn con số 11,88% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy xét về con số tuyệt đối thì vẫn cao hơn khoảng 11.700 tỷ đồng, nhưng rõ ràng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tính đến hết tháng 3/2023, vẫn có 48 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.
Trong nhiều lý do dẫn tới phân bổ chậm, giải ngân chậm, lần này báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trong số này, các dự án thuộc Chương trình Phục hồi chiếm tỷ lệ lớn.
Ngay cả với dự án sử dụng ngân sách địa phương cũng vậy, nhiều dự án dự kiến khởi công trong năm 2023 vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Trông vào “động lực then chốt”
Giữa tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ thành lập 5 tổ công tác đi gỡ rối, đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công. Ngay sau đó, Tổ công tác số 4, do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng đã tới Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa để “thúc” giải ngân đầu tư công.
Đây chính là tổ đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất cho đến nay, rất nhanh chóng, kịp thời thực thi nhiệm vụ được giao. Trong buổi Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương (ngày 3/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này và chỉ đạo các tổ công tác phải xuống từng địa phương, vào từng dự án để gỡ khó, thúc tiến độ giải ngân.
“Để thúc đẩy tăng trưởng, phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng chỉ đạo như vậy trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%.
Nếu mọi năm, tăng trưởng kinh tế trông rất nhiều vào khu vực sản xuất công nghiệp, thì năm nay, động lực này đã suy giảm nặng nề và dự báo, chưa thể sớm thoát khỏi khó khăn. Bởi thế, để thúc đẩy tăng trưởng, dịch vụ và đầu tư công được đặt làm trọng.
Trong cuộc họp báo liên quan đến tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh rằng, đầu tư công sẽ là một động lực then chốt khác (bên cạnh dịch vụ - PV) cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác.
Chính phủ cũng xác định điều này nên đã hối thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng, tư lệnh của ngành được phân giao nhiều vốn đầu tư công nhất, cũng đã cam kết sẽ tập trung giải ngân, ít nhất 8.000 tỷ đồng/tháng, để tạo động lực cho tăng trưởng của quý II/2023.
“TP.HCM sẽ tập trung giải ngân đầu tư công, để làm sao hết quý II, giải ngân được 35% kế hoạch; hết quý III đạt 58% và đến hết niên độ ngân sách năm 2023, đạt 95% kế hoạch”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.
Hơn ai hết, ông Phan Văn Mãi hiểu việc thúc đẩy giải ngân có ý nghĩa thế nào đối với tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. Quý I, đầu tàu kinh tế chỉ tăng trưởng 0,7%, trong bối cảnh cả sản xuất công nghiệp và một số ngành dịch vụ trọng yếu sụt giảm. Vì thế, đầu tư công là động lực vô cùng quan trọng.
Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân đầu tư công; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án…