Thời sự
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Hà Nguyễn - 01/04/2023 09:13
Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ vừa đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Trong các ngày từ 29-31/3/2023, Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng, đã đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Chia sẻ khó khăn với nhà thầu vì giá nguyên vật liệu tăng cao

Tại Thái Bình, Tổ công tác đã kiểm tra tình hình giải ngân các công trình trọng điểm, có tính liên kết vùng trên địa bàn tỉnh và kiểm tra công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Tổ công tác số 4 đã đi thực địa, kiểm tra, đốc thúc tình hình thực hiện các dự án đầu tư công.

Tới kiểm tra Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các cấp, ngành trong tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho nhà thầu thi công.

Có chiều dài 35,5 km, Dự án đến nay đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.

Chia sẻ khó khăn do giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, Bộ trưởng yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại, bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật sớm đưa vào khai thác tạo kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình cũng như các tỉnh trong khu vực.

Tại Thái Bình, Tổ công tác cũng đã tiến hành khảo sát thực địa, hướng tuyến và mặt bằng chuẩn bị cho công tác đầu tư Dự án đầu tư xây dựng dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Thái Bình - Nam Định.

Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng đã tới thị sát Dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đến nay, Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 600 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hạ tầng - Công ty cổ phần Green i-Park đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhà đầu tư. Khu công nghiệp Liên Hà Thái hiện đã thu hút được 7 nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký 740 triệu USD; trong đó, 3 dự án đã đi vào hoạt động.

Bộ trưởng lưu ý nhà đầu tư hạ tầng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thu hút các dự án thứ cấp sử dụng năng lượng sạch, công nghệ cao.

Theo Bộ trưởng, với vị trí giao thông, kết nối vùng thuận lợi, Khu công nghiệp Liên Hà Thái cần chọn lọc, ưu tiên thu hút dự án tạo ra giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm đất đai và năng lượng. Đặc biệt, Green i-Park cần chủ động phối hợp với tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh kết nối, giao lưu, tăng tốc thu hút nhà đầu tư thứ cấp, sớm lấp đầy diện tích đất công nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Sớm khởi công các dự án thuộc Chương trình Phục hồi

Trong khi đó, tại Nam Định, Tổ công tác đã làm việc với lãnh đạo địa phương về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; cũng như tình hình đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình với Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo, cần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, nhất là các dự án thuộc Chương trình Phục hồi.

Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Nam Định là 8.560 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.420 tỷ đồng; ngân sách địa phương 6.140 tỷ đồng). Đến nay, tỉnh đã giao chi tiết 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương; 99,8% nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Số còn lại của một dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, vốn đầu tư 4 tỷ đồng, đang được hoàn thiện thủ tục để có thể giao chi tiết vốn trong tháng 4/2023.

Thông tin cho biết, tính đến hết quý I/2023, Nam Định đã giải ngân được 19% kế hoạch vốn đầu tư công, xếp thứ 4 toàn quốc.

Toàn tỉnh Nam Định có 5 dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, với tổng kinh phí là 1.511 tỷ đồng. Toàn bộ 5 dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư và giao vốn chi tiết. Các dự án này đang nỗ lực được chuẩn bị để có thể khởi công và giải ngân trong năm nay.

Trong khi đó, với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, với tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, tiến độ thi công đến nay đã đạt khoảng 1.420 tỷ đồng, bằng 77% giá trị hợp đồng. Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tiến độ thi công các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của tỉnh Nam Định trong phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; cũng như tiến độ triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình với Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công các dự án giao thông chiến lược đảm bảo tiến độ, chất lượng; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai khởi công các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đúng kế hoạch đã đề ra.

Đẩy nhanh giải ngân các dự án có tính chất liên vùng

Sau khi đi kiểm tra, đốc thúc các dự án đầu tư công của tỉnh Thái Bình và Nam Định, Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ đã tới Ninh Bình và Thanh Hóa.

Tại Ninh Bình, Tổ công tác đã khảo sát thực địa mặt bằng chuẩn bị cho công tác đầu tư Dự án đầu tư xây dựng dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; nghe báo cáo của UBND tỉnh về việc thực hiện Kết luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị triển khai một số dự án đường bộ cao tốc ngày 27/3/202.

Chuẩn bị tốt dự án, sớm giải phóng mặt bằng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy giải ngân

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải rà soát Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình, xác định điểm đầu nút giao Mai Sơn, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô- điểm cuối tại Cầu vượt sông Đáy, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 25,3km; quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h, đồng bề rộng nền đường 24,75m, bề rộng mặt đường 15 m; tổng mức đầu tư 7.860 tỷ đồng. Hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình là đầu tư công.

Cũng trong chương trình làm việc tại Ninh Bình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Tổ công tác đã kiểm tra tình hình thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2023.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị đầu tư của tỉnh Ninh Bình đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình cũng như những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong việc thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng nhấn mạnh, Ninh Bình cần tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án giao thông trọng điểm nhằm thực hiện kết nối liên vùng, mở ra dư địa thu hút đầu tư cho những vùng ven biển còn nhiều khó khăn.

Sau Ninh Bình, Tổ công tác đã kiểm tra tình hình giải ngân các công trình trọng điểm, có tính liên kết vùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, có Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, dài 23,7km; và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), dài 29,9 km.

Tin liên quan
Tin khác