Năm 1999, CJ đã thành lập Công ty TNHH CJ Vina Agri, chuyên sản xuất và kinh doanh cám gia súc, gia cầm và thủy sản. Hiện nay, CJ Vina Agri là một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam với 4 nhà máy ở Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên, Đồng Nai và một trang trại nuôi heo giống ở Bình Dương.
Sau nông nghiệp, thực phẩm là nhánh thứ hai của CJ đổ bộ vào Việt Nam vào năm 2007 với thương hiệu Tous Les Jours. Đây là một trong 13 thương hiệu nhà hàng của CJ Foodville (thuộc CJ). Tính đến nay, Tous Les Jours đã mở rộng mạng lưới lên 19 cửa hàng tại TP.HCM, Cần Thơ và Hà Nội.
CJ đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. |
Một thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm khác của CJ là CJ Freshway cũng đã vào Việt Nam thông qua liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm vào cuối năm 2012 để phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng.
Tuy đầu tư mạnh về nông nghiệp - thực phẩm, nhưng tên tuổi CJ chỉ được biết đến rộng rãi qua các thương vụ đầu tư đình đám trên lĩnh vực truyền thông và giải trí. Đầu tiên phải kể đến thương vụ CJ mua lại gần hết cổ phần của đối tác nước ngoài trong liên doanh Công ty cổ phần Truyền thông Megastar với giá 73,6 triệu USD năm 2011, chiếm gần 80% vốn trong liên doanh.
Như vậy, từ khoản đầu tư đầu tiên năm 1998, đến nay, CJ đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam ra nhiều lĩnh vực như nông thủy sản, bánh ngọt, kênh truyền hình mua sắm (Home Shopping), giải trí và truyền thông, logistics, thức ăn gia súc, thực phẩm, sản xuất phim điện ảnh, phim truyền hình, trồng trọt, bất động sản…
Trong giai đoạn 2011 - 2015, CJ đã có mức tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 26,73%/năm. “Đây là lý do để CJ quyết định tiếp tục mở rộng đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam”, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn CJ Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Chang Bok Sang, nguồn vốn 500 triệu USD sẽ được CJ đầu tư theo 2 hình thức: đầu tư xây dựng nhà xưởng và thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A). “Đây là bước đi hiện thực hóa tuyên bố của Chủ tịch Tập đoàn CJ tại Hội nghị CEO CJ toàn cầu tổ chức tại Việt Nam năm 2012, đó là đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tổng vốn đầu tư của CJ lớn thứ 3 trên quy mô toàn cầu vào năm 2020”.
Nhìn vào cơ cấu tổ chức, Tập đoàn CJ kinh doanh chủ yếu trên 4 lĩnh vực chính: thực phẩm và dịch vụ ẩm thực; công nghệ sinh học và dược phẩm; bán lẻ và dịch vụ hậu cần; giải trí và truyền thông. Tại Việt Nam, cả 4 ngành hàng này đều đã xuất hiện thông qua 13 công ty con, 3.000 nhân viên trên mạng lưới tại 19 tỉnh, thành phố.
Tại Việt Nam, nhóm thực phẩm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, lên đến 86% trong giai đoạn 2011 - 2015. Đây sẽ là nhóm ngành hàng giữ tốc độ tăng trưởng cao nhất của CJ tại Việt Nam. “CJ muốn hình thành hệ thống khép kín từ xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Ông Chang cho biết, năm 2015, CJ đã mua lại một công ty chuyên sản xuất thực phẩm kim chi để đầu tư cải tiến công nghệ cung ứng cho thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu. Doanh nghiệp chế biến này là bước tiếp theo của chiến lược đầu tư vào nông nghiệp của CJ tại Việt Nam.
Mới đây, trong đợt IPO của Vissan, Công ty cũng chi ra hơn 300 tỷ đồng để mua 3 triệu cổ phiếu, tương đương 4,18% cổ phần của Vissan.
Ngành giải trí và truyền thông là nhóm ngành tuy chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 21% giai đoạn 2011 - 2015, nhưng được CJ đặt ra mục tiêu phải tăng trưởng 43% trong năm 2016.
Nhóm chủ lực thứ ba được CJ kỳ vọng là công nghệ sinh học và dược phẩm. Nhóm này đang sở hữu thương hiệu khá đình đám là CJ Vina Agri, với mạng lưới 4 nhà máy tại Việt Nam.
Một lĩnh vực mà CJ có tiềm năng ở Hàn Quốc là bán lẻ cũng đang được CJ xem xét mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm 2016. “Chúng tôi đã qua giai đoạn khảo sát thị trường và đang tìm đối tác chiến lược để triển khai đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2017”, ông Chang Bok Sang cho biết.
Có thể thấy, tham vọng của CJ là hình thành một “hệ sinh thái” khép kín của CJ tại Việt Nam. Hệ sinh thái này sẽ đảm nhận 2 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, mở rộng sản xuất để chiếm lĩnh thị trường nội địa ở các phân khúc tiềm năng từ thực phẩm, chế biến, bán lẻ, giao nhận, kho vận, đến dược phẩm, dịch vụ, bất động sản, giải trí và truyền thông.
Thứ hai, đưa Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất của CJ lớn thứ hai ở nước ngoài (sau Trung Quốc) để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và chia sẻ rủi ro trong đầu tư.