Gia tăng nợ vay tài trợ cho việc mở rộng kinh doanh trước thềm niêm yết
Trong tháng 10/2023, Royal Invest JSC chào bán thêm 9 triệu cổ phiếu ra bên ngoài, tương ứng 20% vốn điều lệ, với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 135 tỷ đồng.
Theo đó, sau chào bán cổ phiếu, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 360 tỷ đồng, lên 450 tỷ đồng. Đồng thời, Royal Invest JSC thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE trong tháng 12/2023.
Được biết, kể từ khi thành lập (năm 2009) tới nay, Royal Invest JSC đã trải qua 7 lần tăng vốn điều lệ liên tiếp, từ 49,3 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng, tức tăng gấp 8,13 lần so với thời điểm thành lập.
Điểm đáng chú ý là, trong đợt tăng vốn tháng 1/2022, Công ty chào bán hơn 14,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ chào bán là 67,82%, để tăng vốn điều lệ từ 214,52 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động được sử dụng để trả nợ vay ngắn hạn, mua dây chuyền sản xuất gạch men, mua cổ phần CTCP Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia Khang.
Về cơ cấu cổ đông, trước đợt chào bán 9 triệu cổ phiếu ra bên ngoài, Royal Invest JSC chỉ có 17 cổ đông cá nhân sở hữu 100% vốn điều lệ. Trong đó, Công ty có 3 cổ đông lớn, gồm ông Đinh Việt Anh, Chủ tịch HĐQT (sở hữu 26% vốn điều lệ); bà Lê Thị Vi Na (sở hữu 24,65% vốn điều lệ); bà Nguyễn Thị Lê (sở hữu 18,85% vốn điều lệ). Còn lại 30,5% thuộc về các cổ đông nhỏ, sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Việc liên tục tăng vốn trong thời gian ngắn giúp vốn điều lệ tăng cao, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình tăng vốn. Trong đó, trước đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, tại thời điểm 30/9/2023, Royal Invest JSC có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu là 547,8 tỷ đồng và không phát sinh thặng dư vốn cổ phần từ đợt chào bán.
Trên lý thuyết, khi Công ty chào bán cổ phiếu để tăng vốn, mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu thì không phát sinh thặng dư, nếu phát hành trên mệnh giá sẽ phát sinh thặng dư dương và phát hành dưới mệnh giá sẽ phát sinh thặng dư âm.
Trong trường hợp của Royal Invest JSC, việc không phát sinh thặng dư vốn cổ phần trong 6 đợt tăng vốn trước đợt chào bán 9 triệu cổ phiếu ra bên ngoài cho thấy, Công ty phát hành cổ phiếu bằng mệnh giá. Tuy nhiên, với việc chào bán 9 triệu cổ phiếu ra bên ngoài vừa qua với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, Công ty đã thiết lập lại mức định giá tối thiểu 15.000 đồng/cổ phiếu khi chào sàn HoSE.
Như vậy, với đợt chào bán tháng 1/2022 khoảng 14,55 triệu cổ phiếu, nhà đầu tư tham gia lãi 50% tổng vốn đầu tư, với lãi tối thiểu 72,74 tỷ đồng sau gần 2 năm tham gia góp vốn, chưa kể các đợt tăng vốn trong những năm trước.
Rõ ràng, việc niêm yết của Royal Invest JSC là cơ hội lớn cho một bộ phận nhà đầu tư tham gia các đợt chào bán trước đó “chốt lời”.
Nợ vay phình to cùng quá trình mở rộng kinh doanh
Theo tìm hiểu, Royal Invest JSC hiện sở hữu 2 nhà máy với 5 dây chuyền sản xuất gạch có công suất 16,5 triệu m2/năm. Doanh nghiệp hình thành được hệ thống phân phối nội địa gồm 14 kho hàng và hơn 3.000 đại lý trải dài khắp Việt Nam, xuất khẩu hàng sang hơn 14 quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, xét về nguồn vốn, bên cạnh việc tăng vốn điều lệ, từ năm 2020 tới nay, Công ty Royal Invest JSC có dấu hiệu gia tăng nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Trong đó, nếu như năm 2020 chỉ sử dụng 236,02 tỷ đồng nợ vay, thì tới ngày 30/9/2023, nợ vay đã tăng 139%, tương ứng tăng thêm 328,8 tỷ đồng, lên 564,82 tỷ đồng và bằng 103,1% vốn chủ sở hữu (doanh nghiệp đầu ngành là Viglacera, có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu chỉ 45,2%).
Trong thời gian này, đối ứng bên tài sản, phải thu ngắn hạn cũng tăng 169%, tương ứng tăng thêm 374,29 tỷ đồng, lên 596,61 tỷ đồng và chiếm tới 41,1% tổng tài sản (đầu kỳ chỉ chiếm 23,2% tổng tài sản).
Như vậy, cùng với đợt tăng vốn, Royal Invest JSC đã đẩy mạnh sử dụng nợ vay để tài trợ cho hoạt động mở rộng kinh doanh, đi cùng với sự mở rộng này là việc phình to các khoản phải thu ngắn hạn.
Được biết, theo thuyết minh tại thời điểm 30/9/2023, Công ty Royal Invest JSC có khoản phải thu ngắn hạn 411,1 tỷ đồng của khách hàng, cùng 101 tỷ đồng liên quan đối tác trả trước cho người bán ngắn hạn… Tính chung, có tới 41,1% tài sản của Công ty nằm ở bên thứ ba.