Đặc biệt, Hào khí Đông A lần đầu được tái hiện bằng công nghệ 3D Mapping.
Lễ bái yết các vị vua triều Trần. |
Vùng đất Hưng Hà (Thái Bình) được coi là quê hương, nơi khởi nghiệp của gia tộc họ Trần cách đây hơn 700 năm. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình - còn gọi là Thái Đường Lăng là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, nơi thờ tự các vua Trần.
Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử gắn chặt với triều đại nhà Trần, các vua khai sáng nhà Trần đều được sinh ra tại đây, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp, chính nơi này cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái Tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình dâng hương tưởng niệm các vị vua triều Trần. |
Lễ hội Đền Trần Thái Bình từ lâu đã trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Thái Bình. Đây là một trong những biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần độc đáo và sâu sắc, đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần đại đoàn kết của dân tộc.
Chính vì thế, tháng 1/2014, lễ hội Đền Trần Thái Bình được cấp bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần.
Màn trống khai hội “Long Hưng – Tôn miếu triều Trần” hội tụ 175 tay trống biểu thị cho 175 năm trị vì của vương triều Trần |
Phát biểu khai mạc lễ hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội nhấn mạnh: Tự hào là nơi phát tích của vương triều Trần, từ nhiều thập kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã chú trọng triển khai các hoạt động thiết thực để tôn vinh những giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa thời Trần trên quê hương; đồng thời tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế của lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội, Khu di tích lịch sử Lăng mộ và Đền thờ các vị vua Trần tại Hưng Hà, Thái Bình có vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam - nơi hội tụ những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa vô cùng quý giá. Chính vì thế, cần trân trọng, giữ gìn và phát huy, trở thành bản sắc văn hóa, niềm tự hào của dân tộc; trở thành một địa chỉ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam, điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh ngày càng lan tỏa, thu hút đông đảo đồng bào, du khách của cả nước và bạn bè quốc tế.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh trống khai hội. |
Tại lễ khai mạc, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng đã khởi trống khai hội lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình và huyện Hưng Hà đã trao giấy chứng nhận, vinh danh các doanh nghiệp, các đơn vị đồng hành cùng chương trình lễ hội Đền Trần năm 2024 là Công ty Cổ phần Green i – Park, Công ty Cổ phần Đầu tư QH Land, Tập đoàn Hưng Hải, Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bắc Thái Bình Công ty Cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long,…
Chương trình khai mạc diễn ra với nhiều tiết mục đặc sắc thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Trong đó, màn trống khai hội “Long Hưng – Tôn miếu triều Trần” hội tụ 175 tay trống biểu thị cho 175 năm trị vì của vương triều Trần.
Tái hiện Hào khí Đông A bằng công nghệ 3D Mapping tại lễ khai mạc lễ hội Đền Trần 2024 |
Tiếp đó vở diễn bán thực cảnh kết hợp trình diễn 3D “Hùng oanh một cõi trời Nam” gồm 4 chương. Với công nghệ 3D Mapping đỉnh cao, trình diễn mapping sống động trực tiếp trên mái Đền Trần, vở diễn đã tái hiện những trận đánh oanh liệt của quân và dân nhà Trần trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trước những vó ngựa ngoại bang xâm lăng. Vở diễn còn khẳng định một "Hào khí Đông A" luôn vang vọng. Ở đó, quân với dân một lòng "phụ tử" thề quét sạch bóng thù, giữ cho được bờ cõi nước Nam, để cho "Non sông ngàn thủa vững âu vàng". Không chỉ vậy, bằng công nghệ 3D Mapping, một số hình ảnh như biểu tượng Rồng thời nhà Trần cũng được tái hiện biểu trưng cho uy quyền của các bậc đế vương nhà Trần.
Chương trình đã mang đến một đêm khai mạc lễ hội đậm dấu ấn Đền Trần, về mảnh đất, con người Thái Bình giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng.
Vở diễn Hùng oanh một cõi trời Nam, tái hiện quá trình phát tích của vương triều Trần. |
Năm nay, lễ hội Đền Trần tiếp tục được tổ chức quy mô cấp tỉnh từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Lễ hội bao gồm phần lễ được cử hành trang trọng, uy nghi và tôn kính như lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước thiêng từ ngã 3 sông Hồng về Đền Trần, lễ tế mộ, lễ bái yết...
Năm nay lễ rước nước thu hút gần 80 đoàn ở trong và ngoài tỉnh với hơn 2.000 người tham gia, ngoài ra còn có các du khách, tín đồ Phật tử thập phương về tham dự. Nghi lễ này đã được thực hiện từ hàng trăm năm qua, gợi nhớ lại thuở hàn vi tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề chài lưới.
Cùng với đó, trong suốt 5 ngày diễn ra lễ hội, các hoạt động phần hội được tổ chức sôi nổi với những trò chơi mang đậm tính dân gian như thi cỗ cá, thi nấu cơm cần, thi vật cầu, kéo co, pháo đất, cờ tướng...
Lễ hội năm nay còn tổ chức thêm một số hoạt động độc đáo như: Liên hoan hát văn, hội thi viết thư pháp, thi têm trầu cánh phượng, giải vật cầu, cờ tướng, giao lưu các CLB chèo và triển khai gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP,…