Đầu tư
Rủi ro lạm phát
Hà Nguyễn - 05/07/2021 08:21
Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 chỉ tăng 0,19% so với tháng trước đó, đưa CPI bình quân nửa đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng rủi ro lạm phát vẫn chực chờ.

Đây là điều cần tiếp tục được cảnh báo.

CPI bình quân nửa đầu năm nay tăng 1,47% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Thực tế, 6 tháng qua, cả nước đã kiểm soát rất tốt lạm phát. Nếu chỉ nhìn vào mức lạm phát sau 6 tháng là 1,47%, thì có thể phần nào yên tâm với việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay.

Tuy vậy, sức ép lạm phát từ bên ngoài được dự báo sẽ tăng lên trong giai đoạn tới. Lạm phát toàn cầu năm 2021 được dự báo tăng khá mạnh (ở mức 2,8% so với mức 2% năm 2020), do giá cả của các hàng hoá cơ bản tăng mạnh và do nỗ lực phục hồi kinh tế bằng các chính sách tài khoá, tiền tệ nới lỏng của nhiều nước trên thế giới.

Từ đầu năm đến nay, giá năng lượng, các hàng hoá phi năng lượng, giá lương thực, kim loại và khoáng chất đều tăng. Vào tháng 4/2021, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo rằng, trong năm 2021, giá dầu thô tăng 41,7%, hàng nông sản thô tăng 12,9%, thép tăng 32,1%, thức ăn tăng 13,9% và giá cả hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2%.

Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với các năm trong giai đoạn 2013-2020.

Trong khi đó, các gói hỗ trợ của các nền kinh tế lớn của thế giới, như Mỹ, EU, Trung Quốc… có tác động trễ và cũng sẽ làm cho lạm phát tăng trong những tháng tới đây.

Không chỉ trong nước, trên thị trường toàn cầu, việc các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin được mở rộng, cũng khiến cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng, tạo sức ép tăng giá. Chưa kể, những rủi ro liên quan đến lạm phát vẫn tiềm ẩn bởi hai lý do khác. Đó là cung tiền dù tăng vừa phải, nhưng hiệu quả sử dụng vốn thấp vẫn sẽ tạo áp lực dài hạn lên lạm phát. Và dù vòng quay tiền đang chậm lại trong nền kinh tế thực, song một lượng tiền không nhỏ lại đang được luân chuyển khá nhanh trong các kênh đầu tư rủi ro.

Hơn thế, câu chuyện đáng quan tâm hiện nay không chỉ là chỉ số lạm phát là bao nhiêu, mà là áp lực tăng giá đầu vào với sản xuất hiện tăng cao. Trong bối đang gặp nhiều khó khăn vì Covid-19, lại thêm giá đầu vào tăng cao, thì tất yếu, doanh nghiệp sẽ khó chồng khó.

Trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 70.000 doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp vô vàn khó khăn.

Chi phí vận tải hàng hóa tăng nhanh khi chỉ số giá cước vận tải hàng hóa toàn cầu tăng 1,35 lần từ cuối tháng 4 đến nay. Chi phí đầu vào cao khiến chi phí sản xuất của nhiều quốc gia tăng nhanh cũng gây áp lực tăng giá thành và lạm phát từ “chi phí đẩy” đối với Việt Nam trong thời gian tới đây.

Gần đây, có nhiều ý kiến quan ngại về việc giá các loại vật liệu xây dựng tăng quá cao, ảnh hưởng lớn tới đầu tư công, qua đó tác động tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do trong rổ hàng hóa tính CPI có tới 30 mặt hàng khác nhau, vật liệu xây dựng chỉ là một trong số đó, nên tính chung CPI không tăng cao.

Ngay cả với giá các loại nguyên vật liệu khác, thực tế sẽ chỉ được phản ánh qua giá sản phẩm đầu ra và cũng chỉ được tính đối với các sản phẩm được tiêu dùng nội địa, không tính với sản phẩm xuất khẩu. Cũng bởi thế, dù chỉ số CPI tăng không cao, nhưng thực chất, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với những khó khăn không nhỏ do chi phí đầu vào tăng cao. Đây chính là điều cần cảnh báo, là một rủi ro không nhỏ của nền kinh tế.

Trong bối cảnh như vậy, việc các bộ, ngành phải theo dõi sát diễn biến giá cả trong nước và quốc tế, nhất là biến động giá của các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, để kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách nhằm hỗ trợ bình ổn giá cả, đặc biệt là chính sách thuế xuất nhập khẩu… là rất cần thiết. Cùng với đó, việc điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và kiểm soát lạm phát cũng được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Dù CPI tăng thấp đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng chưa thể sớm yên tâm với chỉ số này.

Tin liên quan
Tin khác