Sắc xanh trở lại, cổ phiếu công nghệ tăng mạnh
Sau cú rơi phiên đầu tuần, các chỉ số chứng khoán Việt Nam đồng loạt giao dịch trong sắc xanh trong phiên giao dịch. Số lượng các mã chứng khoán tăng giá cũng áp đảo.
Lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên hôm qua, VN-Index một lần nữa tiến gần hơn mốc 1.500 điểm. VN-Index đóng cửa tăng 14,58 điểm (0,98%) lên 1.497,76 điểm. HNX-Index tăng 6,35 điểm (1,4%) lên 461,24 điểm. UPCoM-Index tăng 1,36 điểm (1,17%) lên 117,37 điểm. Trên ba sàn, có 654 mã tăng, 67 mã tăng trần; trong khi đó, chỉ có 259 mã giảm và 13 mã đứng giá.
Bức tranh chung đảo chiều hồi phục. Tuy vậy, tương tự phiên đầu tuần, cổ phiếu FLC cũng nhóm liên quan như AMD, ROS,... vẫn chất dư bán sàn lượng cổ phiếu lớn. Số lượng cổ phiếu FLC khớp lệnh thành công phiên 29/3 là gần 3,24 triệu cổ phiếu, trong đó, riêng khối ngoại mua vào 292.000 đơn vị. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu dư bán sàn vẫn lên tới 69,8 triệu đơn vị. Cổ phiếu ROS cũng còn hơn 48 triệu cổ phiếu dư bán sàn.
Cập nhật thông tin mới nhất từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), các hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022 của ông Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS (mã ART) và các công ty có liên quan đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.
Trong phiên 29/3, nhóm các cổ phiếu thủy sản tăng mạnh các phiên vừa qua nhưng khá nhiều cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ. Cổ phiếu VHC giảm 3,83% xuống còn 92.800 đồng/cổ phiếu. Vĩnh Hoàn mới đây đã quyết định bán ra toàn bộ hơn 1,43 triệu cổ phiếu quỹ dự kiến vào tháng 4-5/2022 sau khi đã tăng giá gấp đôi một năm qua. ANV và IDI cũng đóng cửa trong sắc đỏ, dù cổ phiếu IDI trước đó tăng giá trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên.
Ở chiều ngược lại, đa số các ngành khác đều tăng, đặc biệt là nhóm bảo hiểm. PTI tăng tới 8,33%. BVH, VNR, BIC, BMI… đều tăng trên 2%. Các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản cũng hồi phục sau phiên giảm hôm qua. Một số cổ phiếu bất động sản tăng kịch biên độ như DIG, CIG, HQC, VPH.
Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng tăng mạnh. FPT, CMG đều tăng kịch biên độ. Cổ phiếu của Elcom (ELC) hay Công trình Viettel (CTR) tăng lần lượt 6,35% và 6,76%. FPT là cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 tăng kịch biên độ và đứng trong top đầu tác động tích cực đến chỉ số chung. Cổ phiếu nhóm ngành logistic, cảng biển cũng giao dịch tích cực.
Các cổ phiếu dẫn dắt đà tăng phiên 29/3 lần lượt là VHM (+2,14%), FPT (+6,93%), VNM (+2,86%), BID (+1,92%) và DIG (+6,95%). Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu góp nhiều điểm giảm nhất là cổ phiếu ông lớn vốn hóa ngân hàng Vietcombank, Masan, SeABank, Hóa chất Đức Giang và ông lớn ngành thủy sàn – Vĩnh Hoàn.
Khối ngoại mua ròng nhẹ, dồn giải ngân vào DGC và EIB
Không chỉ là nhóm cổ phiếu tăng điểm ấn tượng, ngành công nghệ và logisitics còn thu hút mạnh dòng tiền. FPT là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản toàn sàn với giá trị giao dịch đạt gần 840 tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần so với trung bình 20 phiên gần đây.
Dù dòng tiền đổ về đột biến tại cổ phiếu FPT, thanh khoản trên ba sàn vẫn hụt hơi. Giá trị giao dịch đạt 29.300 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 26.919 tỷ đồng. Khối ngoại đã quay lại mua ròng dù khá khiêm tốn sau ba phiên bán ra liên tiếp. DGC và EIB là hai cổ phiếu được khối ngoại giải ngân mạnh nhất, lần lượt 192 tỷ đồng và 146 tỷ đồng.