Thuật ngữ “sách nói” được biết đến lần đầu tiên vào những năm 1930 thông qua các chương trình của Chính phủ Mỹ với mục đích nhân văn là dành cho người khiếm thị. Các tổ chức giáo dục và đào tạo lúc bấy giờ sử dụng sách nói như một công cụ cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng tài liệu giảng dạy và học tập cho người khuyết tật.
Ngày nay, sách nói được xem là một trong những loại hình khá phổ biến hiện nay trên toàn cầu. Khác với sách giấy và sách điện tử (e-book), sách nói là một dạng sách được trình bày dưới dạng âm thanh. Nếu sách giấy và sách điện tử được tiếp nhận bằng thị giác, thì sách nói được tiếp nhận bằng thính giác.
Sử dụng sách nói rất thuận tiện. Người ta có thể kết hợp nghe sách nói với việc thực hiện các công việc khác. Đây là “lợi thế” của sách nói so với các thể loại sách khác.
Nhiều bạn trẻ đang lựa chọn sách nói như một kênh tiếp cận tri thức. Giữa ồn ào, tấp nập của phố phường và sự hối hả của cuộc sống, chỉ cần chiếc tai nghe nho nhỏ, người trẻ đã có thể lựa chọn sách nói để lắng nghe những thông tin quý giá và nhận về những bài học trải nghiệm trong sách.
Theo báo cáo của Market Business Insights về dự báo xu hướng thị trường sách nói toàn cầu đến năm 2030, nhu cầu đọc không giảm, mà đang có xu hướng chuyển đổi sang các loại hình đọc sách có âm thanh, với phạm vi sử dụng mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop và trình phát sách nói chuyên dụng. Tiêu biểu nhất là dịch vụ phát trực tuyến sách nói và sách điện tử được đăng ký lớn nhất thế giới “Storytel”, có trụ sở chính tại Stockholm (Thụy Điển). Tính đến đầu năm 2024, Storytel hoạt động tại 25 thị trường và cung cấp hơn 1 triệu đầu sách trên phạm vi toàn cầu.
Sách nói ngày càng phát triển với đa dạng lĩnh vực và chủ đề. Từ các thể loại phổ biến như tiểu thuyết, giáo dục, sách cho trẻ em, đến các nội dung chuyên ngành như khoa học, kinh doanh, tài chính đều góp phần vào sự đa dạng của thị trường sách nói.
Theo dữ liệu thống kê và phân tích của MarkWide Research, sách nói đang trở thành một giải pháp thay thế cho việc đọc sách truyền thống. Trong thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19, mức tiêu thụ sách nói gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, người dân lựa chọn sách nói là một trong những hoạt động được ưa thích nhất trong việc tiếp cận kiến thức giáo dục kết hợp với giải trí.
Về mặt khoa học, bộ não của con người có khả năng tạo ra hình ảnh có ý nghĩa khi nghe một câu chuyện, thay vì đọc nó. Chính vì vậy, đa phần nghiên cứu hiện nay đồng ý rằng, sách nói là hình thức đọc sách hiệu quả vì thông qua việc nghe hiểu, người học vừa có thể tiếp cận kiến thức mới, vừa khơi gợi được trí tưởng tượng liên quan đến nội dung trong sách nói.
Với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế số, những phương thức tiếp cận trong công tác giáo dục đào tạo và học tập đang có những thay đổi rõ rệt. Trong lĩnh vực giáo dục, một nghiên cứu của Kartal và Simsek (2017) điều tra tác động của sách nói lên kỹ năng nghe hiểu của sinh viên và thái độ của họ đối với việc sử dụng sách nói trong lớp học ngoại ngữ. Kết quả cho thấy, việc sử dụng sách nói có tác động tích cực đến khả năng nghe hiểu và kỹ năng phát âm của người học. Đồng thời, sách nói còn góp phần tạo động lực của người học trong việc tiếp cận với ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ.
Mục đích của bất kỳ chương trình giáo dục ngoại ngữ nào là giúp người học hiểu và sử dụng ngôn ngữ trong đời sống một cách hiệu quả. Nghiên cứu của Rusmanayanti (2021) thực hiện tại Indonesia cho thấy, sử dụng sách nói là một bước đột phá trong việc cải thiện kỹ năng đọc và nghe cùng một lúc.
Trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu gần đây của Mermer và Arslan (2024) cho biết, sách nói giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và các dấu hiệu sinh tồn ở bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt.