Doanh nghiệp
Sacom bỏ ngàn tỷ đồng thôn tính Vinamotor
Anh Minh - 28/01/2015 08:28
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển (Sacom) là nhà đầu tư đầu tiên lộ diện tham vọng thôn tính Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam - Công ty cổ phần (Vinamotor).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thoái hết vốn Nhà nước tại Vinamotor
DNNN tìm đối tác ngoại: Coi chừng "Lắm mối, tối nằm không"
Công ty con Vinamotor ế nặng 2 triệu cổ phiếu

“Dây điện” quyết mua “ô tô”

Theo thông tin của Báo Đầu tư, ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Sacom (mã chứng khoán – SAM) vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) được mua lại toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinamotor.

Sacom muốn mua toàn bộ cổ phần nhà nước tại Vinamotor được xem là một bất ngờ, bởi hai đơn vị này không có nhiều mối liên hệ về ngành nghề kinh doanh. Ảnh: L.T

Cụ thể, doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam này đề nghị mua lại một lần đối với 100% vốn nhà nước tại Vinamotor, với tổng cộng 85.581.223 cổ phần, tương đương 97,7% vốn điều lệ. Giá đăng ký mua mà Sacom chào với Bộ GTVT là 10.000 đồng/cổ phần.

Trong trường hợp được Bộ GTVT chấp thuận, Sacom sẽ phải bỏ ra ít nhất 855,81 tỷ đồng để có thể sở hữu Vinamotor - đơn vị vừa chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/6/2014. Nói là ít nhất, bởi nếu xuất hiện thêm nhà đầu tư, thì giá chuyển nhượng sẽ được xác định thông theo hình thức đấu giá.

Theo các chuyên gia, việc Sacom sốt sắng xin mua toàn bộ cổ phần nhà nước tại Vinamotor là một bất ngờ, bởi hai đơn vị này không có nhiều mối liên hệ về ngành nghề kinh doanh. Tại văn bản gửi Bộ GTVT, Sacom giới thiệu là doanh nghiệp chuyên sản xuất dây cáp đồng, cáp quang, dây điện từ, trong khi ba lĩnh vực kinh doanh chủ đạo của Vinamotor là lắp ráp ô tô, cơ khí công trình và dịch vụ vận tải.

Cần phải nói thêm rằng, quyết tâm của Sacom trong việc mua cổ phần Vinamotor được thể hiện chỉ chưa đầy một tháng sau khi Chính phủ “bật đèn xanh” cho Bộ GTVT tiến hành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamotor - đơn vị từng bị ế rất nặng trong đợt IPO công ty mẹ vào tháng 3/2014. Mặc dầu vậy, theo ông Trắc, chủ trương của HĐQT Sacom là đầu tư vào Vinamotor để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, góp phần vào sự phát triển của ngành ngành công nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam.

“Chúng tôi tự tin vào việc mua lại toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinamotor và quyết tâm đưa Vinamotor trở thành đơn vị kinh doanh hiệu quả”, ông Trắc khẳng định.

Được biết, tính đến ngày 30/9/2014, Sacom có quy mô chỉ nhỉnh hơn Vinamotor chút ít (với tổng tài sản 3.079 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.308 tỷ đồng), nhưng lại vượt trội về hiệu quả hoạt động (doanh thu thuần 1.141 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 104,4 tỷ đồng).

Giấc mơ xuất khẩu ô tô
Công nghiệp ô tô: Bất đồng trong chính sách thuế
Công nghiệp ô tô Việt nhắm đích xuất khẩu 20.000 xe

Trông chờ gì từ Vinamotor?

Khi chấp nhận bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để mua hơn 97% cổ phần, chắc chắn Sacom đã thấy tiềm năng phát triển, khả năng sinh lời ngay cả khi kết quả kinh doanh hiện tại rất kém hấp dẫn.

Tại đại hội đồng cổ đông lần đầu tổ chức vào tháng 5/2014, Vinamotor chỉ dám đặt mục tiêu đạt doanh thu 388 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11 tỷ đồng. Nếu so với quy mô vốn điều lệ 875 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trong năm đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần của Vinamotor chỉ đạt 1,26%. Mặc dù nâng tổng số xe ô tô lắp ráp lên gấp đôi, song tổng doanh thu của Vinamotor vào năm 2016 cũng chỉ đặt ra ở mức 650 tỷ đồng, lợi nhuận 33,7 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ là 3,85% - chưa bằng phân nửa lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.

Ngay bản thân lãnh đạo Vinamotor cũng từng bày tỏ mối quan ngại về tính khả thi của phương án thoái cùng lúc toàn bộ phần vốn nhà nước lên tới gần 1.000 tỷ đồng trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cơ khí này không thực sự ấn tượng.

Được biết, trong suốt lịch sử 40 năm hoạt động, ngoại trừ giai đoạn 1999 - 2001, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vinamotor luôn lẹt đẹt và chưa bao giờ được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao.

Hiện sản phẩm chủ yếu của Vinamotor là các loại ô tô khách, ô tô tải mang thương hiệu Vinamotor và Transinco. Bên cạnh đó, Vinamotor vẫn duy trì hoạt động trong lĩnh vực cơ khí truyền thống, sửa chữa ô tô, máy thi công, sản xuất phụ tùng... Đây đều là những sản phẩm đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các đối tác nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng, sức hấp dẫn của Vinamotor có lẽ nằm ở một số công ty thành viên, nơi công ty mẹ nắm cổ phần đa số, đang sở hữu một lượng lớn mặt bằng nhà xưởng tại Hà Nội, như Công ty cơ khí Ngô Gia Tự, Công ty cổ phần Cơ khí ô tô 3/2, Công ty cổ phần Ô tô 1/5…

Hiện tại, Vinamotor đã chọn xong đơn vị tư vấn để thực hiện thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đó là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.

“Ngay sau khi được Bộ GTVT phê duyệt, Vinamotor sẽ khẩn trương triển khai các bước tiếp theo trong lộ trình để có thể thoái toàn bộ vốn nhà nước trong năm nay”, ông Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch HĐQT Vinamotor cho biết.

Tin liên quan
Tin khác