Ngân hàng - Bảo hiểm
Sacombank: Chất lượng tài sản cải thiện sau 5 năm tái cơ cấu, xử lý nợ xấu
T.V - 27/06/2022 06:10
Chất lượng tài sản của Sacombank đã cải thiện đáng kể sau 5 năm nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu khi chỉ còn hơn 5.000 tỷ đồng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu hơn 1%.

Cải thiện chất lượng tài sản

Năm 2022, Sacombank dự kiến đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 10% và 12%, đạt 512.700 tỷ và 435.000 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. 

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng huy động hơn 7%, tăng trưởng tín dụng hơn 6%.

Đặc biệt, nợ xấu thu hồi trên 11.500 tỷ đồng, trong đó thực thu mang về cho ngân hàng 6.500 tỷ đồng, dự kiến cả năm sẽ thu hồi và xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu.

Với tiến độ kinh doanh đang được triển khai quyết liệt, theo bà Diễm, Sacombank tự tin sẽ hoàn thành và vượt mọi chỉ tiêu cổ đông giao, hoàn thành sớm Đề án tái cơ cấu.

Báo cáo tài chính quý I/2022, với lợi nhuận trước thuế tăng 59% so với cùng kỳ đạt 1.589 tỷ đồng. Điểm sáng của Sacombank trong quý này là chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể.

Tổng nợ xấu ngân hàng đến cuối quý I/2022 giảm 7% so với đầu năm, chỉ còn hơn 5.299 tỷ đồng, giảm mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn với mức giảm 43%. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1.47% đầu năm xuống còn 1.28%.

Từ một ngân hàng có năng lực tài chính tốt và phát triển ổn định, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank phải đối diện với gần 97.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, chiếm 30% tổng tài sản.

Nhưng sau 5 năm, Sacombank có tốc độ xử lý nợ xấu rất tích cực. Ngân hàng đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 70% kế hoạch tổng thể.

Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35%. Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ đồng thì đến năm 2021 đã giảm gần một nửa xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.

Phó chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hiện Ngân hàng chỉ còn một phần nhỏ nữa là hoàn thành tái cơ cấu. Các tài sản đảm bảo ở Sacombank đều có chất lượng tốt, vị trí đẹp.

Do đó, bà Diễm tin rằng, Sacombank có thể hoàn thành sớm hạng mục này trong tương lai, nhất là khi thị trường bất động sản nói chung đang nhận được sự quan tâm đầu tư và sự tích cực hợp tác từ các nhóm khách hàng có liên quan.

Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng vừa có báo cáo phân tích cổ phiếu STB và cập nhật hoạt động của Sacombank. 

Với mục tiêu lãi trước thuế đạt 5.280 tỷ đồng trước thuế Sacombank đưa ra năm nay, MBS nhận định điều này dường như chưa phản ánh kết quả của việc bán khoản vốn hiện được quản lý bởi VAMC và sẽ ảnh hưởng đến việc NHNN cấp room tín dụng cho ngân hàng này trong năm nay.

Thu nhập ngoài lãi tăng nhờ tái ký với Dai-ichi Life

Do đó, MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của Sacombank trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 13,5%-14%, tương đương với năm 2021.

MBS cũng cho rằng, chất lượng tài sản của Sacombank được cải thiện. Nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của Sacombank trong 5 năm gần đây đã giúp ngân hàng này gia tăng chất lượng tài sản và giảm các khoản trái phiếu của VAMC, tạo tiền đề cho việc bán đầu giá phần vốn đang được quản lý bởi VAMC.

Trích lập dự phòng giảm khi tiến hành định giá lại giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản. MBS kỳ vọng việc giá bất động sản có sự tăng trong thời gian gần đây giúp giá trị tài sản đảm bảo trên mỗi khoản vay được tăng, từ đó giúp giảm tỷ lệ dự phòng trên toàn danh mục vay.

Mảng cho vay bán lẻ và khách hàng cá nhân là động lực chính trong tăng trưởng tín dụng của Sacombank, nhóm phân tích MBS nhận định.

Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu tập trung nhiều hơn sang mảng bán lẻ giúp Sacombank gia tăng được lãi vay cùng với đó là giảm được chi phí vốn nhờ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) cải thiện và sự hỗ trợ của môi trường lãi suất thấp.

Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý I/2022 đạt hơn 552.539 tỷ đồng, tăng 6% so với quý IV/2021 và tăng 11,1% so với cùng kỳ 2021, chủ yếu đến từ tăng quy mô các cho vay khách hàng. Đối với huy động, huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 7% so với cùng kỳ 2021.

Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi được tăng nhờ tái ký với Dai-ichi Life, MBS ước tính mức phí trả trước trong thương vụ tái ký lần này dư kiến sẽ đạt 250 triệu USD, và sẽ được ghi nhận trong năm nay.

Tuy nhiên, nhóm phân tích MBS cho rằng, tỷ lệ CIR (chỉ số chi phí hoạt động trên tổng thu nhập) của Sacombank đang ở mức khá cao so với trung bình ngành tuy rằng đang trong xu hướng giảm kể từ năm 2016.

Tỷ lệ CIR hợp nhất của Sacombank luôn trên 50% kể từ năm 2011. Trong quý I/2022, chi phí hoạt động hợp nhất của ngân hàng là 2.832 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2021 và tỷ lệ CIR đạt 55,3%, tương đương với năm 2021.

ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) và ROE (tỷ số lợi nhuận trên vốn) hợp nhất cũng lần lượt đạt 11,9% và 0,7%.

Vấn đề xử lý khoản nợ chiếm 32,5% vốn cổ phần Sacombank từ VAMC đến đâu?

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng cũng đã có kiến nghị với NHNN và trình Chính phủ cho phép thì Sacombank mới giải quyết được khoản nợ chiếm 32,5% vốn cổ phần Sacombank từ VAMC.

Cũng như khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, Ngân hàng cũng đang nỗ lực kiến nghị với UBND TP.HCM để có thể sớm được đấu giá.

Hiện UBND TP.HCM đã có văn bản tạm dừng đấu giá tài sản đảm bảo là Khu công nghiệp Phong Phú và HĐQT Sacombank đã từng bước kiến nghị, làm việc với UBND TP.HCM để có thời hạn, thời gian đấu giá trong năm 2022, thu hồi nợ.

Ngoài ra, các khoản nợ tồn đọng khác cũng đã được Sacombank sớm nỗ lực hoàn tất xử lý. Trong gần 5 năm qua, Ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Sacombank diễn ra cuối tháng 4/2022, Chủ tịch Sacomabnk cho hay, lũy kế đến 31/12/2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại của Ngân hàng là 9.000 tỷ đồng, đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.

Sacombank tiếp tục thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 22/5/2017 nên cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích dự phòng.

Lãnh đạo Ngân hàng cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.

Dự kiến, năm 2023, Sacombank có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược.

"Cổ tức chia chưa cũng còn đó, hay nói cách khác “cơm chưa ăn, gạo còn đó”, nên mong cổ đông thông cảm và chờ đợi sau tái cấu trúc", Chủ tịch Sacombank nhấn mạnh.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu STB của Sacombank kết phiên ngày 25/6 đứng ở mức 21.200 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với mức trên 30.000 đồng/cổ phiếu đầu năm nay, do ảnh hưởng chung của thị trường đang xu hướng xuống. 

Tin liên quan
Tin khác