VietinBank Securities tăng hạn mức vay thêm 500 tỷ đồng tại Sài Gòn VRG
Công ty VietinBank Securities thông qua việc thực hiện vay vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (Sài Gòn VRG, mã SIP – sàn HoSE) với hạn mức tối đa 2.500 tỷ đồng, thời gian vay ngắn hạn.
Trong đó, Công ty VietinBank Securities cho biết sẽ sử dụng tài sản là trái phiếu doanh nghiệp thuộc danh mục tự doanh của Công ty để đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vay.
Được biết, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty VietinBank Securities có tổng tài sản là 8.194,8 tỷ đồng. Trong đó, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận 1.868,3 tỷ đồng, chiếm 22,8% tổng tài sản; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) ghi nhận 1.694 tỷ đồng, chiếm 20,7% tổng tài sản; các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) ghi nhận 898,1 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Đối với danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), Công ty VietinBank Securities cho biết tính tới cuối quý III/2023 đang nắm giữ 484,58 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết.
Tương tự, đối với tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), tại thời điểm 30/9/2023, Công ty đang ghi nhận đầu tư 340 tỷ đồng vào trái phiếu chưa niêm yết.
Như vậy, tổng hai khoản mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), Công ty VietinBank Securities đang sở hữu danh mục trái phiếu trị 824,58 tỷ đồng, nhỏ hơn hạn mức vay tối đa tại Công ty Sài Gòn VRG.
Điểm đáng lưu ý, trước đó vào ngày 24/11/2023, Công ty VietinBank Securities cũng thông qua Nghị quyết tương tự về việc vay vốn Công ty Sài Gòn VRG nhưng với hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ hơn 1 tháng, Công ty VietinBank Securities đã nâng hạn mức vay vốn tại Công ty Sài Gòn VRG thêm 500 tỷ đồng, lên 2.500 tỷ đồng.
Sài Gòn VRG sở hữu quỹ tiền mặt lên tới 3.968,7 tỷ đồng
Về bên cho vay là Công ty Sài Gòn VRG, Công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhà xưởng, khu dân cư.
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG được thành lập năm 2007 bởi nhóm cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, CTCP Cao su Phước Hoà (mã PHR), CTCP Đầu tư Xây dựng Cao su và các cá nhân khác.
Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2022, Công ty có 4 cổ đông lớn gồm CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc sở hữu 19,93% vốn điều lệ; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 10,27% vốn điều lệ; CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) sở hữu 9,06% vốn điều lệ; ông Lư Thanh Nhã, Tổng giám đốc sở hữu 7,52% vốn điều lệ và còn lại 53,22% thuộc về nhóm cổ đông khác.
Trong đó, tổng diện tích các khu công nghiệp là 5.000 ha, có hơn 200 công ty hoạt động trong các khu công nghiệp. Trong đó, có hơn 4 khu công nghiệp và đã thu hút được hơn 8 tỷ USD vốn đầu tư gồm Khu công nghiệp Phước Đông, Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn, Khu công nghiệp Đông Nam, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3…
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG chia sẻ công ty có quỹ đất còn lại khoảng 1.200 ha. Trong đó, 700 ha đã được giao đất (500 ha đất là thương phẩm); và khoảng 600 ha đất đã có chủ trương đầu tư. Với quỹ đất hiện sở hữu, Công ty đảm bảo phát triển bền vững trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Về tình hình tài sản, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG sở hữu quy mô tài sản là 20.333,2 tỷ đồng. Trong đó, tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn và tiền gửi dài hạn ghi nhận 3.968,7 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng tài sản.
Ngược lại, về phần nguồn vốn, cũng tại thời điểm cuối quý III/2023, Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận doanh thu dài hạn chưa ghi nhận lên tới 11.232,7 tỷ đồng, chiếm 55,2% tổng nguồn vốn. Trong đó, giá trị khoản mục doanh thu dài hạn chưa ghi nhận hơn quá nửa tổng nguồn vốn, đây là khoản mục tiền thu trước từ khách hàng thuê đất khu công nghiệp, chờ ghi nhận theo phương án ghi nhận doanh thu 50 năm.