Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC) tại tòa nhà PVI (Hà Nội). Ảnh: Samsung |
Chuẩn bị khởi công trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á
Nếu không có gì thay đổi, dự kiến cuối tháng 2/2020, Samsung Việt Nam sẽ khởi công xây dựng Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á của mình tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Theo kế hoạch, Samsung sẽ xây dựng Trung tâm R&D với quy mô 11.603 m2 mặt bằng, 80.744 m2 diện tích sàn, với một tòa nhà 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, có khả năng cung cấp không gian làm việc cho khoảng 3.000 người.
Trên thực tế, sau khi đầu tư lớn vào Việt Nam, Samsung đã thực hiện các hoạt động R&D tại Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh, sau đó, năm 2012, đã thuê 8 tầng lầu, diện tích mặt bằng 2.000 m2, tại tòa nhà PVI (Hà Nội) để phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (Samsung Vietnam Mobile R&D Center - SVMC). Hiện có gần 2.000 kỹ sư Việt Nam làm việc tại đây và đã có những đóng góp quan trọng cho hoạt động R&D của Samsung toàn cầu.
Do đó, việc xây dựng Trung tâm R&D mới trên thực tế được hiểu chỉ là việc xây trụ sở mới. Khi dự án hoàn thành, SVMC sẽ chuyển về “nhà mới”. Nhưng không chỉ là xây dựng trụ sở quy mô lớn, theo kế hoạch, Samsung còn muốn biến Trung tâm R&D mới này trở thành trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á, trở thành “đầu tàu” hướng đến nghiên cứu và triển khai, ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là các công nghệ đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data…
Với động thái này, nhà sản xuất thiết bị di động và điện tử gia dụng hàng đầu thế giới - Samsung Điện tử - đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của thị trường Việt Nam, nơi mà họ đang nỗ lực biến thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình.
Không chỉ tập trung đầu tư cho sản xuất tại 3 khu tổ hợp tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và tại TP.HCM, Samsung còn đầu tư lớn cho R&D. Ngoài trung tâm R&D ở khu vực phía Bắc, Samsung còn có một trung tâm R&D ở Tổ hợp SEHC, chuyên nghiên cứu và thiết kế về ngành hàng thiết bị gia dụng, như tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi… Samsung đã thực sự đầu tư quy mô và bài bản cho hoạt động R&D tại Việt Nam, chứ không phải chỉ đầu tư để được hưởng các ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ cao.
Xây thể chế vượt trội để hút đầu tư vào R&D
Thực tế, kể từ khi bắt đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã rất kỳ vọng vào việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ đầu tư lớn cho hoạt động R&D tại đây. Song, dù đang dần trở thành công xưởng của thế giới, với sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ từ Intel tới Samsung, LG, Microsoft…, nhưng Việt Nam chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư cho R&D.
Không nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn cho R&D như Samsung tại Việt Nam. Cách đây ít năm, Bosch đã xây dựng trung tâm R&D về kỹ thuật ô tô, kỹ thuật phần mềm tại TP.HCM. Thông tin gần đây cho thấy, nhiều tập đoàn lớn cũng muốn đầu tư vào R&D tại Việt Nam. Chẳng hạn, Qualcomm (trụ sở tại Mỹ), đã lên kế hoạch đầu tư vào R&D tại Việt Nam để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các thiết bị 5G và IoT, nhằm đón đầu xu hướng 5G tại Việt Nam. Grab cũng từng nhắc đến việc đầu tư Trung tâm R&D tại TP.HCM, nhằm nghiên cứu và tạo ra những trải nghiệm người dùng được thiết kế riêng cho khách hàng Việt Nam…
Tuy nhiên, chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào làm được như Samsung. Bởi thế, việc tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới quyết định xây bản doanh R&D tại Việt Nam, có thể nói, sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong thu hút FDI vào Việt Nam. Đầu tư vào R&D là hiện thực.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright) đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã xác định động lực tăng trưởng tới đây dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, do đó, nên có nhiều ưu đãi cho lĩnh vực này. “Có thể giảm thuế thu nhập cá nhân cho lực lượng nhân sự làm công nghệ, hay đưa ra các ưu đãi về thuế đối với các nhóm nhân lực trong lĩnh vực R&D”, ông Thành đề xuất.
Trên thực tế, để thu hút nhiều hơn đầu tư vào R&D, Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng các thể chế vượt trội. Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh việc sẽ có thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Các nội dung này đang dần được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Chẳng hạn, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, trong đó có việc thành lập mới hoặc mở rộng các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.
Đây là động thái quan trọng để kỳ vọng, trong tương lai không xa, Việt Nam cũng có thể trở thành trung tâm R&D của thế giới.