Một biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đầu tư và phát triển hạ tầng vừa được ký kết giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Công ty Samsung C&T (Samsung Xây dựng và Thương mại).
Theo đó, các lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa các bên là các dự án nhà máy điện, đóng tàu, sân bay, các tổ hợp lọc hóa dầu, công nghệ thông tin - truyền thông công cộng…
| ||
Samsung đang hoạt động rất thành công tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Thực ra, không khó để nhìn ra mối quan tâm của Samsung tại thị trường Việt Nam, khi trong đoàn lãnh đạo cao cấp của Samsung tới Việt Nam lần này, ngoài Samsung C&T, còn có Samsung Engineering, Samsung Công nghiệp nặng, Samsung Bảo hiểm nhân thọ, Samsung SDS…
“Ký kết MOU chỉ là một nửa của thành công. Một nửa còn lại, cả hai bên phải thảo luận, đưa ra các dự án ưu tiên thực hiện dựa trên lợi ích của cả hai bên và làm sao tận dụng được thế mạnh và kinh nghiệm của Samsung”, ông Yeon Joo Jung, Phó chủ tịch Samsung C&T phát biểu.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung khẳng định, ngoài các yếu tố lịch sử và văn hóa tương đồng, khiến mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng trở nên khăng khít, tốt đẹp hơn, thì đã đến lúc, cần tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác này dựa trên những dự án cụ thể, ngoài các dự án điện tử mà Samsung đã triển khai ở thị trường Việt Nam.
Tập đoàn Samsung, năm 1995, đã liên doanh với Công ty cổ phần TIE để thành lập liên doanh sản xuất các sản phẩm điện tử ở TP.HCM, với tổng vốn đầu tư hơn 36,5 triệu USD. Mới đây, liên doanh này đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, sau khi Samsung quyết định mua lại phần vốn góp của TIE, với giá trên 96 tỷ đồng.
Năm 2009, Samsung đã khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV), vốn đầu tư 670 triệu USD, tại Bắc Ninh. Sau đó, đã nâng vốn đầu tư lên 1,5 tỷ USD vào cuối năm ngoái và lên 2,5 tỷ USD vào giữa năm nay. Năm ngoái, SEV đã xuất khẩu được 12,6 tỷ USD và trong 9 tháng đầu năm nay, con số khoảng 15 tỷ USD.
Cuối tháng 3/2013, Samsung đã khởi công Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT), với vốn đầu tư 2,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư tiếp một dự án sản xuất vi mạch và linh kiện cho điện thoại di động, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, cũng trong khu vực Dự án SEVT.
Bên cạnh những dự án đã và đang triển khai, thông tin gần đây cho biết, Samsung cũng đang rất quan tâm xây dựng các nhà máy điện ở Việt Nam. Đầu tháng 9 vừa qua, Samsung đã tới Nghệ An để tìm hiểu cơ chế, chính sách và cơ hội đầu tư Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi.
Thậm chí, một nguồn tin cho biết, Quỳnh Lập 2 chỉ là một trong 5 dự án nhiệt điện mà Samsung tập trung khảo sát. Các dự án khác được quan tâm là Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), Quảng Trạch 2 (Quảng Bình)…
Samsung, sau hai dự án sản xuất điện thoại di động trị giá 4,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, đã tuyên bố coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất mới của mình. Nhưng có vẻ như, với động thái hiện tại, những bước đi mà tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này thực hiện ở Việt Nam sẽ còn nhanh và mạnh hơn rất nhiều so với cam kết trước đó.
“Chúng tôi luôn đánh giá cao hoạt động đầu tư của Samsung và thường lấy Samsung như một minh chứng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nói và cho biết, Tổ công tác liên bộ, ngành về thu hút các dự án mới của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cũng đã được thành lập nhằm xúc tiến đầu tư của Samsung vào Việt Nam.
Tiếp ông Yeon Joo Jung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư của Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung, đầu tư tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn Samsung tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư vào Việt Nam, đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp trên các lĩnh vực giữa hai nước.
Trước lễ ký kết MOU, sáng 30/9, Hội thảo về Phát triển kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc đã được Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) và Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung (SERI) tổ chức. Nhìn từ kỳ tích sông Hàn, mà Samsung là một trong những biểu tượng của thời kỳ kinh tế Hàn Quốc phát triển cực thịnh, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ Hàn Quốc để tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng và phát triển cho mình.
“Các bạn có thể tìm thấy cơ hội từ rủi ro, coi khủng hoảng là đòn bẩy cho sự phát triển của mình, giống như Hàn Quốc”, ông Hwang Inseong, Phó chủ tịch, Ban Nghiên cứu toàn cầu của SERI chia sẻ.
Còn Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ngài Dae Joo Jun đã có chung quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung khi cho rằng, đã đến lúc, quan hệ hai nước không nên chỉ dựa vào lịch sử và sự tương đồng văn hóa, mà bằng các dự án hợp tác cụ thể.
Hà Nguyễn