Ngân hàng - Bảo hiểm
Samsung và LG với cuộc chiến tivi
Hữu Tuấn - 22/08/2017 08:18
Samsung và LG đang cạnh tranh gay gắt nhằm giành ngôi vị dẫn đầu trên thị trường tivi cao cấp tại Việt Nam.
Samsung QLED TV

Samsung “kích nổ” sản phẩm QLED

Còn nhớ, năm 2013, cả LG và Samsung cùng ra mắt mẫu tivi OLED cỡ lớn đầu tiên với nhiều kỳ vọng. Nhưng năm 2014, Samsung đã rút khỏi cuộc chơi tivi OLED do sản lượng tiêu thụ thấp.

Samsung đã tập trung vào phát triển công nghệ mới có tên gọi là QLED. Dòng QLED của Samsung vẫn là tivi sử dụng đèn nền LED thông thường như các dòng tivi khác đang có trên thị trường, nhưng được thêm một lớp nền chấm lượng tử, giúp tăng độ sáng và khả năng hiển thị màu sắc nét hơn nhiều.

Samsung không chỉ xem tivi QLED như là một thiết bị trình chiếu đơn thuần, mà hướng đến việc biến QLED trở thành một phần nội thất trong nhà. Samsung nhấn mạnh rằng, tivi QLED sở hữu thiết kế “như một khung tranh”, sang trọng và dễ dàng phối ghép với ngôn ngữ thiết kế nhà hiện đại.

Tháng 2/2017, QLED TV chính thức ra mắt trên toàn cầu và tháng 4/2017 đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam với với 3 series là Q7, Q8 và Q9, có kích thước từ 55 inch đến 88 inch và giá từ 64,9 triệu đồng.

“Với thiết kế, tính năng thông minh và chất lượng hình ảnh đỉnh cao, dòng sản phẩm QLED 2017 của chúng tôi thực sự mở ra một kỷ nguyên mới cho tivi”, ông Kim Cheol Gi, Tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina nói.

“Quả bom” tivi QLED kích nổ đã gây chấn động cho cả phân khúc cao cấp và khiến đối thủ LG đứng ngồi không yên.

LG trình làng sản phẩm OLED siêu mỏng

Trong khi Samsung từ bỏ công nghệ OLED, “trình làng” QLED, thì LG vẫn kiên định phát triển công nghệ OLED. OLED, về cơ bản, khác hẳn so với công nghệ LCD được dùng phổ biến trên tivi hiện nay. Với công nghệ OLED, tivi sử dụng tấm nền có các diode hữu cơ phát quang, bản thân mỗi điểm ảnh sẽ tự phát sáng và bật tắt một cách độc lập khi có dòng điện chạy qua mà không cần đèn.

Theo số liệu của GfK Việt Nam, trong năm 2016, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 triệu tivi, tăng 15% so với năm 2015, trong đó chủ yếu là phân khúc màn hình có kích thước 32 - 40 inch (chiếm 40%), còn lại là các phân khúc 50 - 55 inch và dưới 32 inch.

Điểm nổi trội của tivi OLED là do cấu trúc không cần đèn nền, nên tivi OLED giảm thiểu được nhiều vật liệu trên tấm nền, giúp tivi mỏng hơn. Đó là lý do tivi OLED luôn mỏng hơn tivi LED và không phải là vô cớ mà LG tuyên bố chiếc OLED Signature W - sở hữu thiết kế mỏng chỉ 2,57 mm, đã đạt kỷ lục “TV mỏng nhất Việt Nam”. LG nhấn mạnh đặc điểm TV “mỏng nhất, dán tường” để quảng bá cho sản phẩm của mình.

Tại lễ ra mắt dòng TV LG OLED Signature W của LG diễn ra trong tuần qua, ông Kim Young Lak, Tổng giám đốc Công ty LG Electronics Việt Nam phát biểu: “LG tự hào là hãng điện tử tiên phong trong việc phát triển dòng tivi công nghệ OLED tiên tiến nhất hiện nay. Bằng việc đưa dòng tivi LG OLED Signature W ra thị trường, chúng tôi muốn khẳng định, LG sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường về dòng tivi siêu mỏng, siêu nhẹ, thiết kế tinh tế và chất lượng hình ảnh đỉnh cao”.

Giá hay công nghệ?

Gần 10 năm qua, kể từ khi chiếc OLED ra mắt thị trường, tivi OLED vẫn chưa thể phổ biến trong mọi gia đình Việt Nam, mà chỉ dành cho một số rất ít tầng lớp thượng lưu ưa công nghệ, do giá bán quá cao. Hiện tivi OLED chủ yếu cạnh tranh với tivi LCD trên phân khúc siêu cao cấp, nơi mà giá bán vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Và đối thủ nặng ký nhất của tivi OLED chính là tivi QLED.

Tại Việt Nam, cuộc chiến giành vị trí trên tường của OLED và QLED mới chỉ “khai màn”. Nhưng tại Trung Quốc, theo báo cáo mới nhất của Samsung, hết quý II/2017, QLED đã chiếm 3% thị phần và Samsung đang nắm trong tay 80 - 90% số lượng tivi QLED ở Trung Quốc.

Tại Việt Nam, phân khúc tivi cao cấp dù chỉ chiếm tổng doanh thu khá nhỏ, khoảng 20 -30%, nhưng lại là “mỏ vàng” cho các hãng công nghệ khi chiếm tới 40 - 50% tổng lợi nhuận.

Thị trường tivi phân khúc cao cấp đang cạnh tranh khốc liệt về giá. Nếu như trước kia, phân khúc cao cấp định hình ở mức giá từ 1.500 USD/chiếc thì nay chỉ với 1.200USD, khách hàng có rất nhiều lựa chọn.

Chính vì vậy, trong “cuộc chiến” giữa 2 dòng tivi OLED và QLED cùng trong phân khúc cao cấp, nhưng khác nhau về công nghệ, giá bán…, việc ai sẽ là người chiến thắng cuối cũng vẫn còn là ẩn số.

Tin liên quan
Tin khác