Quỹ sẽ chỉ được đầu tư vào 3 loại tài sản, đó là tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, trái phiếu chính phủ và chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán. |
Cuối tháng 2/2017, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết bản ghi nhớ về phát triển và cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân và giám sát cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Sự hợp tác này hướng tới việc các quỹ hưu trí do VFM thành lập và quản lý sẽ sử dụng dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân do VSD cung cấp và được giám sát bởi BIDV.
Khung phổ pháp lý cho việc triển khai Chương trình và quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đã được hình thành từ ngày 1/7/2016 tại Nghị định 88/2016/NĐ-CP. Theo đó, các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ được hình thành để cung cấp một hình thức đóng góp và đầu tư mới cho người lao động với mục tiêu nâng cao nguồn thu nhập khi nghỉ hưu, bên cạnh nguồn thu nhập từ nhận chi trả của Bảo hiểm Xã hội. Việc hình thành quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cũng chính thức hình thành một trụ cột mới trong hệ thống an sinh xã hội.
Theo Nghị định 88/2016/NĐ-CP, việc tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện của người lao động, người sử dụng lao động (đóng góp cho người lao động). Khoản đóng góp của người tham gia quỹ được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân. Người tham gia có quyền sở hữu đối với tài khoản hưu trí cá nhân và công ty quản lý quỹ hưu trí nhận ủy thác đầu tư tài sản quỹ hưu trí. Tài sản quỹ hưu trí phải được quản lý tách biệt với tài sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.
Một trong những vấn đề người dân quan tâm khi quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đi vào hoạt động là tính an toàn của quỹ. Vấn đề nhiều người băn khoăn là, nguồn vốn quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ được công ty quản lý quỹ thực hiện đầu tư trên thị trường chứng khoán, vậy có khả năng quỹ thua lỗ hay không?
Liên quan vấn đề trên, ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc VFM cho biết, việc hình thành quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện nằm trong chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhằm xây dựng một trụ cột mới tạo thu nhập gia tăng cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu (bên cạnh quỹ bảo hiểm xã hội). Do đó, nguyên tắc số 1 đối với quỹ là bảo toàn vốn và Nghị định 88/2016/NĐ-CP cũng đã có quy định cụ thể những khoản đầu tư mà công ty quản lý quỹ được tham gia.
Cụ thể, Điều 20, Nghị định 88/2016/NĐ-CP quy định, quỹ chỉ được đầu tư vào 3 loại tài sản, đó là tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, trái phiếu chính phủ và chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán. Trong đó, tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng 50% tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Như vậy, về lý thuyết, quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện vẫn có thể đầu tư vào cổ phiếu, nhưng phải thông qua một quỹ đầu tư khác, chứ không được mua trực tiếp cổ phiếu trên sàn.
Theo ông Minh, việc quy định này nhằm tạo một lớp bảo vệ phòng ngừa rủi ro cho quỹ bởi đầu tư qua một quỹ đầu tư khác thì mức độ rủi ro sẽ được sàng lọc xuống mức thấp nhất.
Về quy mô của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, hiện tại, các bên liên quan chưa xác định quy mô ban đầu, nhưng tiềm năng được đánh giá là khá lớn. Thực tế, một số doanh nghiệp ở Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có nhu cầu thành lập các quỹ hưu trí riêng trong nội bộ doanh nghiệp như Công ty Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty Dutch Lady Việt Nam… Do đó, khi quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện thành lập thì các doanh nghiệp trên sẽ là khách hàng tiềm năng đầu tiên.
Đánh giá về kỳ vọng của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) nhận định: “Hy vọng trong 10 năm tới, chúng ta có thể có quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đạt 100.000 - 200.000 tỷ đồng”.