Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. |
Nhận định trên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu khi trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/8.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề, phát triển sản phẩm du lịch là mô hình mới, địa phương du lịch nào có mô hình này đều triển khai khá tốt nhưng sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là phố đi bộ, ẩm thực, hoạt động nghệ thuật, giải trí, lại đêm có đêm không, chủ yếu vào thứ bảy, chủ nhật.
Đại biểu Hòa chất vấn Bộ trưởng giải pháp để du lịch đêm phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú và giải trí lành mạnh, giữ chân du khách qua đêm để kích cầu.
Hồi âm đại biểu Hòa, Bộ trưởng Hùng nói, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã có Đề án về sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu dựa trên các yếu tố quy hoạch để tính toán các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường của khách để làm các sản phẩm.
“Như tôi đã nói, có nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa, làm thì du khách không đến. Nhưng trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải của Bộ”, ông Hùng nói.
Bộ trưởng Hùng lấy ví dụ Bộ gợi ý TP.HCM dựa trên tài nguyên sông nước và dòng sản phẩm chủ lưu là kết hợp sông Sài Gòn kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm. Trên cơ sở như vậy, TP.HCM nghiên cứu và tạo ra tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ kết nối các sản phẩm trên dòng sông để có nơi cho du khách đến.
“Tôi nghĩ mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, như tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị 08 của Chính phủ và Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc, buộc địa phương phải suy nghĩ. Còn hỏi Bộ trưởng đi làm du lịch đêm thì chúng tôi có đề án, có khung rồi, gợi ý cách làm rồi, còn chúng tôi không làm thay cho địa phương được”, ông Hùng trả lời đại biểu.
Cũng liên quan đến phát triển du lịch đêm, tại báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Hùng cho biết, trên cơ sở Đề án phát triển du lịch đêm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, nhiều tỉnh/thành phố đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó trọng tâm là hoạt động du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Một số sản phẩm du lịch đêm được đưa vào khai thác, như tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học", “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm”, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (Hà Nội); “Phố đêm du thuyền Hạ Long” (Quảng Ninh); tour đêm phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình), “Quận 1 - Sắc màu đêm” (TP.HCM)…
Các sản phẩm trên cùng với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố... đã tạo ấn tượng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, theo Bộ trưởng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn từ đầu cầu Đồng Tháp. |
Về tình hình chung của ngành, báo cáo nêu, trong 7 tháng đầu năm 2024, hầu hết các thị trường khách quốc tế của Du lịch Việt Nam đã phục hồi và vượt so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách từ châu Úc đạt mức 119%; châu Á đạt mức 106%, châu Mỹ đạt mức 103%. Thị trường tiềm năng Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 312% so với trước dịch. Ở Đông Bắc Á, thị trường Hàn Quốc phục hồi tốt, đạt 110%, Đài Loan đạt mức 147%. Ở Châu Âu, các thị trường chính như Tây Ban Nha đạt mức 120%, Ý đạt mức 113%, Đức đạt mức 110%, Anh đạt mức 101%.
Thị trường khách nội địa tăng đều qua các năm (trừ 2020 và 2021) và năm 2023 đạt 108 triệu lượt (tăng 27,6% so với cùng kỳ 2019). 7 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch nội địa đạt 79,5 triệu lượt.
Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục triển khai các hoạt động cơ cấu lại thị trường khách, phát triển hệ thống sản phẩm mới và điểm đến du lịch (sản phẩm du lịch Halal phục vụ khách đến từ các quốc gia Hồi giáo, điểm đến du lịch cưới của giới siêu giàu…), phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát huy hiệu quả kinh phí xúc tiến quảng bá, du lịch, từng bước hình thành cơ chế điều phối phát triển du lịch theo các vùng du lịch…