Đầu tư
Sẵn sàng đón dòng vốn mới đến từ Nhật Bản
Nguyên Đức - 19/10/2020 08:21
Sức ép đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản đang gia tăng và đây chính là cơ hội cho Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hóa cơ hội này.

Dây chuyền sản xuất thiết bị ly hợp điện từ cho máy in và các thiết bị chính xác khác của Nhà máy NMS (Nhật Bản) tại Hà Nam. Ảnh: Đức Thanh

Sức ép đa dạng hóa chuỗi cung ứng và cơ hội của Việt Nam

Gần như cùng thời điểm các thông tin về chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, với điểm đến đầu tiên là Việt Nam và Indonesia, được công bố, thì các thông tin về việc Chính phủ Nhật Bản dự kiến tiếp tục chi một ngân khoản không nhỏ để hỗ trợ các công ty dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á cũng được nhắc tới.

Cụ thể, theo Hãng tin Nikkei Asian Review, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ trả khoảng 1/2 chi phí cho các công ty lớn và 2/3 chi phí cho những doanh nghiệp nhỏ muốn dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á. Mục tiêu của kế hoạch này là để đa dạng hóa địa điểm sản xuất tại nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản.

Cũng theo Nikkei Asian Review, Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ sớm công bố kế hoạch trên trong chuyến công du Đông Nam Á. Ông Suga muốn thông qua chuyến đi này để thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản tại các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trước đó, Nhật Bản đã tung ra chương trình trị giá 220 tỷ yên (2,07 tỷ USD) trong ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2020 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Hồi giữa năm, đã có 57 doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ của Chính phủ để dịch chuyển sản xuất. Và nay thì chính quyền của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang tiếp tục mở rộng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tránh phụ thuộc vào một thị trường. Và đó là tin mừng cho Việt Nam.

Một báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, sức ép đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản đang gia tăng. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Và hiện có ít nhất 20 nhà sản xuất Nhật Bản đang cân nhắc Việt Nam như là một trong các lựa chọn để di dời sản xuất.

Những cái tên từng được nhắc tới là Sony, Sharp, Ricoh, Nintendo… Các doanh nghiệp này đang có những động thái quan trọng trong việc tái định vị sản xuất. Ngay cả Tập đoàn Panasonic cũng dự kiến đóng cửa nhà máy sản xuất máy giặt và tủ lạnh tại Bangkok (Thái Lan), chậm nhất vào tháng 3/2021, để chuyển sang sản xuất tại Việt Nam.

Động thái này càng khẳng định Việt Nam đang được quan tâm thế nào. Thế nên, như ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từng chia sẻ, đó là ngay sau khi kế hoạch tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản theo phương thức trực tuyến, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, được công bố, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký tham gia. Hội nghị này sau đó được tổ chức thành công vào tháng 7/2020, với khẳng định từ phía Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) rằng, Việt Nam là một thị trường trọng điểm.

“Với 13 hiệp định thương mại tự do và thị trường gần 100 triệu dân, Việt Nam có không gian đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tham vọng, phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy khi tiếp 15 doanh nghiệp Nhật Bản đã nhận hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam hồi đầu tháng 9/2020.

“Xây tổ” đón dòng vốn Nhật

Để đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển, Cục Đầu tư nước ngoài hồi tháng 9/2020 đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, trong đó có việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ “Đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu” mà JETRO đảm nhiệm với vai trò là đầu mối thực hiện từ tháng 5/2020.

Lũy kế đến tháng 9/2020, Nhật Bản có 4.595 Dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 59,87 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

9 tháng đầu năm 2020, Nhật Bản có 209 dự án cấp mới, 100 dự án tăng vốn và 448 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 1,73 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)

Đó là bước chuẩn bị quan trọng. Nhưng việc “xây tổ” để đón dòng vốn Nhật có lẽ là quan trọng hơn hết. Khi làm việc với đoàn 15 doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết giải quyết các vấn đề về thiếu lao động tay nghề cao, cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt bằng để các doanh nghiệp tới đầu tư.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác mà doanh nghiệp Nhật mong mỏi. Một trong số đó là ưu đãi đầu tư theo chuỗi. “Việc thu hút cả một chuỗi hệ thống sản xuất sẽ tạo ra nhiều lợi thế hơn cho Việt Nam. Bằng cách đó, không chỉ giúp các công ty lớn dễ dàng đầu tư sang Việt Nam hơn, mà còn làm cho các công ty hợp tác của công ty lớn đó cũng có thể đầu tư vào Việt Nam”, các nhà đầu tư Nhật Bản đã nói như vậy.

Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) gần đây tiếp tục kiến nghị Chính phủ Việt Nam phải hoàn thiện hạ tầng năng lượng, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thúc đẩy mua bán, sáp nhập (M&A), hay giải quyết các vấn đề để giảm thiểu rủi ro khi tính thuế định giá chuyển nhượng…

Ông Sudo Kazunori, Chủ tịch JCCI còn nhắc đến việc để xây dựng cơ sở sản xuất và lắp ráp quan trọng, mà sẽ trở thành xương sống của chuỗi cung ứng toàn cầu, thì Việt Nam phải xem xét cả vấn đề thời điểm chấp thuận ưu đãi đầu tư với dự án quy mô lớn, hay có thêm chính sách ưu đãi đối với các ngành công nghiệp vật liệu, như kim loại hay nhựa chất lượng cao chưa phát triển tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với đầu tư từ Nhật Bản, vấn đề không chỉ là “đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển”, mà còn là đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút dòng vốn đầu tư truyền thống.

Một con số đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới, đó là tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật Bản có chủ trương đầu tư ra nước ngoài trong 3 năm tới là 56,4%. 48,1% trong số này vẫn lựa chọn Trung Quốc và điều này là dễ hiểu, song cũng có hơn 41% lựa chọn Việt Nam, sau đó mới tới Thái Lan, Mỹ, Indonesia…

Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp, thì xu hướng gần đây, các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư sang Việt Nam trong các lĩnh vực ngân hàng, bán lẻ. Thời gian tới, các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, phi sản xuất được cho là sẽ tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản. Không chỉ đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp Nhật cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam theo hình thức M&A.

Tin liên quan
Tin khác