Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông |
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam và sự kiện khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo mới của thế giới. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể đón nhận cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0.
Thưa Thứ trưởng, ngày mai (9/1), Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ chính thức khai mạc; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng chính thức được khởi công xây dựng. Có thể đặt những kỳ vọng gì vào hai sự kiện quan trọng này?
Đây là hai sự kiện quan trọng đối với việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn tới.
Có thể nói, Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo là nơi hội tụ và kết nối đầy đủ nhất các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, sinh viên và cả các doanh nghiệp yếu thế. Đây cũng là nơi tôn vinh, trưng bày, trình diễn các công nghệ mới nhất, ấn tượng nhất hiện nay, chủ yếu do người Việt sáng tạo. Nhiều công nghệ của các công ty nước ngoài cũng có dấu ấn của người Việt.
Với sự kiện này, chúng tôi có kế hoạch tổ chức thường niên, để tạo sân chơi mới cho đổi mới sáng tạo, kết nối với các sự kiện quốc tế khác và các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới. Chúng tôi cũng mong muốn rằng, qua các sự kiện như thế này, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người dân, doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo.
Đây chính là bước để cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ về chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong việc huy động, tận dụng các nguồn lực xã hội cùng mạng lưới tri thức trong và ngoài nước tham gia xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Với NIC, có thể nói, việc khởi công dự án quan trọng này là một dấu mốc quan trọng, khẳng định sự nỗ lực rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong hơn 1 năm qua, kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập NIC vào cuối năm ngoái.
Sau khi hoàn thành, NIC sẽ là nơi hội tụ của các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế; các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm; nơi đặt văn phòng của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và trên thế giới; nơi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc...; và là mô hình để thúc đẩy đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây chính là công cụ, là điểm nhấn quan trọng để Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Để đón đầu cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, đâu chỉ một NIC là đủ, thưa ông?
Để đón đầu cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, ngay từ ban đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn trong, ngoài nước và đề xuất việc thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, NIC và xây dựng Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đến năm 2030.
Chiến lược đã được xây dựng, hoàn thiện và mới đây đã được Chính phủ thông qua. Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, từ 100 thành viên ban đầu đã có hơn 1.000 thành viên ở 14 quốc gia và 5 mạng lưới thành phần tại Mỹ, Đức, Nhật, Australia, đang triển khai hình thành các mạng lưới thành phần tại Canada, Singapore, Hàn Quốc, Anh…
Còn NIC có chức năng chính là hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Từ trung tâm đầu tiên ở Hòa Lạc này, dự kiến có thêm các trung tâm khác được xây dựng, khi hội đủ các điều kiện, nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng vùng kinh tế.
Việc phát triển được mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo như chủ trương của Đảng sẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế các địa phương, các vùng kinh tế thông qua các liên kết về đổi mới sáng tạo, đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn lực và góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của từng địa phương và của Việt Nam.
Với các bước đi như vậy, chúng ta có thể sẵn sàng đón nhận các cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhưng thưa Thứ trưởng, khái niệm đổi mới sáng tạo dường như hơi… cao siêu, dù trong Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, đó được coi là một đột phá chiến lược mới. Vậy, cần phải hiểu thế nào là đổi mới sáng tạo và phải làm sao để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành một động lực mới cho tăng trưởng và phát triển của đất nước?
Chúng tôi xác định, đổi mới sáng tạo không chỉ là những gì cao siêu, mà là những sáng kiến mới, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng, những sáng kiến nhỏ có ích cho cộng đồng. Đổi mới sáng tạo là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể.
Theo đó, hoạt động đổi mới sáng tạo có thể thực hiện hàng ngày, hàng giờ, trong những hoạt động từ đơn giản đến phức tạp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tư duy đổi mới sáng tạo cần được trang bị và khuyến khích trong mỗi người dân, để người dân vừa là đối tượng của các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhưng cũng là chủ thể chính của các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Ở tầm vĩ mô, chúng tôi xác định, đổi mới sáng tạo là cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Thời gian qua, đặc biệt là 5 năm 2016-2020, kinh tế Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng tốt. Song như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu, sập bẫy thu nhập trung bình.
Đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ chính là chìa khóa để chúng ta có thể đón đầu cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên. Đây chính là cơ hội ngàn năm có một của Việt Nam và vì thế, các cơ chế, chính sách thời gian tới cũng sẽ tập trung vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tới đây, các hoạt động đầu tư vào đổi mới sáng tạo sẽ được ưu đãi ở mức cao nhất.
Chúng tôi sẽ tích cực hơn trong kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Sau triển lãm trên và sau khi NIC đi vào hoạt động, chúng ta tiếp tục có các hoạt động kết nối, cung cấp không gian làm việc cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giúp họ đặt các phòng nghiên cứu, tổ chức các hội thảo khoa học, chia sẻ kinh nghiệm của thế giới… Các hoạt động đồng bộ như vậy sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.