Phát thuốc khử trùng để phòng dịch cho tiểu thương tại chợ gia cầm Hà Vĩ, Thường Tín, Hà Nội
Trước đó, trong năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9 với 4 tình huống: tình huống thứ nhất là xuất hiện dịch trên gia cầm nhưng chưa có bệnh trên người; thứ 2 là có bệnh nhưng chưa có dấu hiệu lây từ người sang người; thứ 3 là phát hiện ca bệnh lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; thứ 4 là khi dịch bùng phát ra cộng đồng. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng -Bộ Y tế cho biết, hiện nay kế hoạch phòng chống dịch nói trên vẫn còn nguyên giá trị và hợp lý. Xét theo kế hoạch đó, dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam vẫn đang ở tình huống 1 vì chưa ghi nhận bệnh nhân mắc.
Tuy nhiên, diễn biến dịch cúm gia cầm A/H7N9 hiện nay so với cùng thời điểm này năm ngoái phức tạp hơn rất nhiều. Tại Trung Quốc, dịch đang lan rộng và tiến sát biên giới Việt Nam, trong khi một số nước cũng đã ghi nhận bệnh nhân do người bệnh đi từ Trung Quốc về. Nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam được nhận định là rất lớn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngay cả Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng cảnh báo Việt Nam, Lào… là những nước có nguy cơ cao bị lây truyền dịch cúm này. “Vì thế, Bộ Y tế đang tham mưu để kích hoạt các biện pháp ứng phó với dịch ở tình huống 2. Mục đích là chuẩn bị sẵn sàng khi có ca bệnh trên người chứ không chờ đến tình huống 2 mới kích hoạt” - TS Trần Đắc Phu cho biết.
Theo TS Trần Đắc Phu, không chỉ tham mưu mà hiện Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng sang tình huống 2. Cụ thể, Bộ Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện tập trung giám sát rộng hơn, sâu hơn các bệnh nhân viêm hô hấp cấp, viêm phổi cấp vào khám. Hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur tăng cường giám sát bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở cửa khẩu cũng như trong cộng đồng, có ca bệnh lập tức xử lý ngay, không để xảy ra tử vong. Các đội cơ động xử lý dịch của trung ương và các địa phương cũng luôn ở tình trạng trực chiến, sẵn sàng giải quyết ngay nếu phát hiện có trường hợp nghi nhiễm cúm A/H7N9.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm vừa đề nghị các địa phương trong cả nước nếu phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc trên người thì phải lập tức đóng cửa các chợ gia cầm trên địa bàn để ngăn không cho dịch lây lan. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, khi khống chế được dịch cúm trên gia cầm thì sẽ khống chế được dịch trên người. Vì thế, hiện Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp chặt chẽ, trong đó Bộ NN&PTNT tập trung giám sát xem nơi nào có virus cúm A/H7N9 trên gia cầm thì thông báo kịp thời cho ngành y tế để có biện pháp ứng phó, nhận định nguy cơ lây sang người.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 355 người mắc cúm A/H7N9, trong đó có 67 trường hợp tử vong.
Hải Phòng: 3 ôtô chở gia súc chưa kiểm dịch Ngày 20-2, tại chân cầu Đá Bạc, xã Lưu Kỳ, huyện Thủy Nguyên, lực lượng Công an thành phố Hải Phòng kết hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Thú y thành phố kiểm tra, phát hiện 3 ôtô BKS: 98C-023.95, 98C-035.19, 98K-5809 vận chuyển 46 con lợn (mỗi con nặng từ 70-75kg), không có giấy tờ kiểm dịch, không khử trùng phương tiện theo quy định. Vụ việc đang được cơ quan chức năng xử lý. |
Nguyễn Phan (ANTĐ)