Chủ động ứng phó
Tại cuộc họp về tiến độ triển khai kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 14/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, kế hoạch tổ chức kỳ thi năm nay cần có phương án tổng thể, lực lượng thường trực hỗ trợ… để có thể ứng phó toàn diện, hiệu quả với diễn biến dịch bệnh cũng như thiên tai, bão lũ. Không chỉ giới hạn trong quy chế, Bộ sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh.
Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi. Đồng thời, các Sở phải xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức kỳ thi, tính toán điều chỉnh hệ thống câu hỏi, bài thi sao cho hợp lý.
“Cấu trúc đề thi giữ ổn định để thuận lợi cho việc dạy học, ôn tập của giáo viên, học sinh, trong đó chú trọng tới chất lượng, độ tin cậy của đề thi để phân loại học sinh. Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không chỉ chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh của năm nay, mà còn cả từ năm học lớp 11. Bởi vậy, nội dung đề thi phải gắn rất sát với hoạt động dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời gắn với chuẩn đầu ra chương trình phổ thông”, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu.
Để tránh lặp lại tình trạng “bấp bênh” như năm 2020, lãnh đạo một số sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất với ý kiến đề xuất trong quy chế thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tính đến mọi tình huống, nhất là những tình huống bất khả kháng vì Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung điều khoản quy định về số lần tổ chức thi, quy mô, đối tượng và thời điểm tổ chức thi khi có tình huống bất khả kháng. Ngoài ra, bổ sung quy định về xét đặc cách tốt nghiệp cho những trường hợp không thể dự thi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cho biết, năm 2021, do số lượng thí sinh tăng nhiều so với năm 2020, nên việc tổ chức thi phải được chuẩn bị kỹ càng hơn. Đặc biệt, tỷ lệ thí sinh giáo dục thường xuyên lớn, nên việc tổ chức, sắp xếp thí sinh tại các điểm thi đáp ứng quy chế thi gặp khó khăn. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nên trong công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp TPTH, tỉnh Vĩnh Phúc phải luôn trong trạng thái sẵn sàng đối phó với dịch bệnh có thể bùng phát.
Bảo đảm quyền lợi của thí sinh
Nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hoàng Minh Sơn yêu cầu các sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo định hướng đánh giá phẩm chất và năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị, các Sở Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch giảng dạy, ôn thi, cũng như có kế hoạch hướng dẫn các trường, các điểm tiếp nhận nguyện vọng thí sinh, để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh trong việc đăng ký trực tiếp, trực tuyến; kiểm tra kỹ thông tin của thí sinh để giảm sai sót.
Kỳ thi năm tốt nghiệp THPT năm 2021 có sự tham gia rất lớn của các cơ sở giáo dục đại học, nên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy lưu ý, các cơ sở giáo dục đại học cần phải hoàn thiện kế hoạch chi tiết để triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh tại các địa phương. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tổ chức thi THPT, hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến.
Bà Thủy đề nghị, các cơ sở giáo dục và đào tạo nên tổ chức để thí sinh thử nghiệm phần mềm đăng ký trực tuyến và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển; tổ chức hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến một cách kỹ lưỡng, vì chỉ cần sai một bước là phải qua nhiều bước điều chỉnh.