Chuyển đổi số - Kinh tế số
Sàn thương mại điện tử: Kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả
Hữu Tuấn - 17/08/2021 07:38
Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả trong mùa dịch, mà còn giúp hàng triệu hộ nông dân mở rộng tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước…
Tiêu thụ nông sản trên sàn  thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh.

Đưa nông sản lên sàn  thương mại điện tử

Tỉnh Long An có hơn 11.200 ha trồng chanh, sản lượng 75. 000 tấn đang vào mùa thu hoạch. Giá chanh ở Long An chỉ từ 4.000 - 10.000 đồng/kg, nhưng tại TP.HCM và nhiều nơi khác đang ở mức 20.000 - 30. 000 đồng/kg. Ngoài chanh, Long An còn có các loại rau, củ, hoa quả, thịt hơi các loại, trứng gia cầm… cần tìm kênh tiêu thụ, khi thị trường lớn nhất là TP.HCM đang khó khăn vì phải giãn cách chống dịch.

Ngoài Long An, hàng loạt địa phương trên cả nước cũng đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng do dịch bệnh bùng phát, nên việc vận chuyển, tiêu thụ gặp khó.

Nếu như tại miền Nam, nhãn, khoai lang tím, sầu riêng… đang loay hoay tìm “lối thoát”, thì ở miền Bắc, nhãn lồng Hưng Yên, na (Lạng Sơn, Quảng Ninh)… cũng đang chín rộ, cần đẩy mạnh tiêu thụ.

Chính vì thế, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh, vừa dần tạo ra một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững, vừa đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho nông dân và hàng nông sản.

Sau khi tiêu thụ thành công gần 4.000 tấn vải thiều Bắc Giang, sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Vietnam Post) đang lên kế hoạch đưa thông tin của khoảng 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên Postmart.vn từ nay đến hết năm 2021. Hàng chục ngàn nhân viên Postmart.vn đang tỏa xuống các địa phương để tập huấn cho các hộ nông dân thực hiện các kỹ năng livestream, họp nhóm, gửi hình ảnh hoặc video...; cùng nông dân đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm...

Tương tự, nhân viên của sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (thuộc Viettel Post) cũng đã tổ chức đào tạo online cho các hộ sản xuất nông nghiệp về cách tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên sàn. Vỏ Sò đặt mục tiêu tạo hơn 2 triệu gian hàng nông sản trên sàn trong năm 2021.

Trong khi đó, Shopee thực hiện Chương trình “Thực phẩm bình ổn” nhằm cung cấp các loại trái cây đúng vụ, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap tươi ngon, an toàn; các loại thịt sạch nhập khẩu...

Ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu (Vietnam Post) chia sẻ, các mặt hàng đưa lên Postmart.vn là đặc sản, sản phẩm chất lượng cao do đơn vị trực tiếp tìm kiếm, khảo sát và lựa chọn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đã đề nghị các sàn thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia; hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch trên các sàn thương mại điện tử uy tín…

Phá rào cản từ người nông dân

Từ thực tế hoạt động của Postmart.vn, ông Phan Trọng Lê nhìn nhận, việc định hướng, tạo thói quen bán hàng qua sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và mở rộng thị phần tiêu thụ nông sản của người dân tại thị trường nội địa. Khó khăn lớn nhất hiện nay là phần lớn bà con nông dân chưa quen với việc sử dụng công nghệ, nên còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện các thao tác và xử lý đơn hàng trên sàn.

Từ góc độ quản lý, ông Vũ Bá Phú chỉ ra một số khó khăn trong việc bán nông sản, trong đó có vấn đề kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng và các hợp tác xã, người nông dân đối với sản phẩm.

Ngoài ra, theo ông Phú, rào cản lớn là kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. “Nếu bán bằng phương pháp này, họ sẽ mất thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức. Do vậy, chính quyền địa phương cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản”, ông Phú nói.

Được biết, Cục Xúc tiến Thương mại đã và đang phối hợp với các sàn thương mại điện tử đào tạo, tập huấn cho nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, bán hàng livestream; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện để nông dân hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, Bộ sẽ hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian…
Tin liên quan
Tin khác