Theo Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế nước này đã suy giảm 4,8% trong quý I/2020. |
Theo Viện Quản lý Cung ứng Mỹ, chỉ số sản xuất chế tạo tháng 4 của Mỹ đã giảm 7,6 điểm phần trăm so với tháng 3. Chỉ số sản xuất chế tạo dưới mức 50% là dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động sản chế tạo.
“Mức sụt giảm chỉ số sản xuất chế tạo lần này là sự thay đổi nhanh nhất trong hoạt động kinh tế Mỹ ở giai đoạn hiện nay”, Tim Fiore, chuyên gia giám sát thực hiện khảo sát chỉ số sản xuất chế tạo của Mỹ cho biết.
Đáng nói, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của Mỹ trượt sâu từ mức 48,5 trong tháng 3 về mức 36,1 - mức thấp nhất trong 11 năm qua, do các nhà sản xuất đóng cửa và hủy đơn hàng để ngăn dịch Covid-19 lan rộng.
Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit đánh giá, lượng các đơn hàng “sụp đổ” ở mức chưa từng thấy trong thập kỷ qua khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở mức “kỷ lục” không kém và ngày càng nhiều doanh nghiệp phải thanh lọc nhân sự.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chi tiêu xây dựng tháng 3 tại nước này chỉ tăng 0,9% so với tháng trước nhờ hoạt động xây dựng dân dụng bật tăng 2,3%, còn các nhà phân tích dự báo chi tiêu xây dựng của Mỹ sẽ giảm mạnh trong những tháng tới vì tác động của các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội ngày càng rõ rệt. Xây dựng bị thu hẹp, càng làm tăng nguy cơ kéo tụt các ngành còn lại của nền kinh tế Mỹ.
Kết hợp các số liệu kinh tế công bố mới đây, các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm sâu trong quý II/2020. Trong khảo sát mới đây của Tạp chí Phố Wall, các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm tới 25,3% trong quý II.
Đầu tuần này, Bộ Thương mại Mỹ cho biết nền kinh tế nước này bị thu hẹp 4,8% trong quý I/2020. Trong đó, chi tiêu tiêu dùng tháng 3 “bay hơi” 7,5%, mức giảm kỷ lục từ năm 1959.
Chuyên gia Fiore đánh giá, sẽ mất nhiều thời gian để người tiêu dùng Mỹ cảm thấy thoải mái khi ra ngoài mua sắm. Điều này đồng nghĩa sẽ mất nhiều thời gian để kích hoạt nhu cầu hàng hóa đầu vào của các nhà máy.
“Tại thời điểm này, tôi không thấy sự phục hồi mạnh mẽ (hoạt động sản xuất). Một số ngành công nghiệp Mỹ đã hứng chịu thiệt hại lớn và sẽ mất thời gian để hồi phục trở lại”, Fiore nói thêm.
“Chưa rõ liệu rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Mỹ đã thực sự biến mất”, Fiore băn khoăn, nhưng điều mà chuyên gia này có thể nhận thấy lúc này là hoạt động suy giảm của các nhà máy tại Mỹ bắt đầu chạm đáy, còn con đường hồi phục của họ sẽ kéo dài và chậm trễ.
Các chuyên gia từ công ty nghiên cứu và tư vấn kinh tế Oxford Economics dự báo, phải đến năm 2021, hoạt động sản xuất chế tạo của Mỹ mới có thể hồi phục như trước đại dịch.
“Viễn cảnh cho các nhà sản xuất (tại Mỹ) rất ảm đạm bởi nhu cầu toàn cầu sụp đổ, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng vẫn kéo dài và bất ổn vẫn tăng cao đang đặt ra các thách thức rất lớn”, hai chuyên gia Oren Klachkin and Gregory Daco của công ty Oxford Economics chung nhận định.