Công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tháng Năm có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với tháng Tư.
Đúng là có dấu hiệu khởi sắc hơn thật, khi Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Năm ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023. |
Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn cũng có chỉ số IIP tăng so với tháng trước. Chẳng hạn, Thái Nguyên tăng 3,3%; Hải Dương tăng 3,1%; Bình Dương tăng 2,6%; Bắc Giang tăng 2,1%; TP.HCM tăng 1,5%; Long An tăng 1,2%; Quảng Ninh tăng 1%; Vĩnh Long tăng 0,7%...
Tuy vậy, mức tăng còn thấp, chưa đủ để bù đắp phần sụt giảm trong những tháng đầu năm. Chính vì thế, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP của toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,1% - PV).
Điều này tiếp tục cho thấy sản xuất công nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu đơn hàng xuất khẩu. Ngay cả trong thời điểm Covid-19, sản xuất công nghiệp cũng không giảm như vậy. Nếu tính từ năm 2019-2023, so với cùng kỳ năm trước, IIP toàn ngành công nghiệp trong 5 tháng đầu năm lần lượt tăng 9,5%; 1,7%; 10%; 8,1%; và giảm 2%.
Trong các ngành công nghiệp, 5 tháng đầu năm, IIP của ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), làm giảm 1,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,5%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do thiếu đơn hàng xuất khẩu. |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, IIP 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.
Quảng Nam và Bắc Ninh tiếp tục là địa phương có IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm tương ứng là 36,7% và 19,1%.
Trong khi đó, IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng qua của Vĩnh Long giảm 16,6%; Sóc Trăng giảm 16,5%; Đà Nẵng giảm 4,8%; Hòa Bình giảm 4,6%...
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, 5 tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, đường kính - tăng 31,1%; xăng, dầu - tăng 13,5%; vải dệt từ sợi nhân tạo - tăng 10,6%; phân hỗn hợp NPK - tăng 9,2%; thuốc lá điếu - tăng 8,6%; ti vi - tăng 7%.
Nhưng ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, như ô tô (giảm 24%); thép thanh, thép góc (giảm 20,1%); điện thoại di động (giảm 16,4%); vải dệt từ sợi tự nhiên và linh kiện điện thoại cùng giảm 10,1%; quần áo mặc thường giảm 9,8%...
Sản xuất công nghiệp gặp khó nên số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2023 dù tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng lại giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước không đổi so với thời điểm tháng trước và giảm 1,8% so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,4% và giảm 2,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,1% và giảm 5,9%.