Kinh tế 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá, với GDP tăng 6,42%. Ảnh: Đức Thanh |
“Sức khỏe” ngành sản xuất cải thiện mạnh mẽ
Cùng vào thời điểm Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, với tăng trưởng GDP quý II là 7,72% và 6 tháng đầu năm là 6,42%, S&P Global cũng công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6. Theo đó, điểm số mà Việt Nam đạt được là 54, tuy thấp hơn so với con số 54,7 điểm trong tháng 5, nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ, các điều kiện kinh doanh đã tốt lên.
“Ngành sản xuất của Việt Nam kết thúc nửa đầu năm 2022 với tình trạng sức khỏe tốt. Các công ty cảm thấy đại dịch đã qua đi và họ có thể có thêm nhiều số lượng đơn đặt hàng mới”, nhận định về chỉ số PMI của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói.
Đã gần 9 tháng kể từ thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Và cũng 6 tháng kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2022. Chính sự điều chỉnh kịp thời về chiến lược chống dịch, sự nỗ lực trong tiêm phủ vắc-xin, cũng như các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi còn nhanh hơn dự báo, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp quý II tăng trưởng khá, với tốc độ giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả con số đạt được trong các năm 2018-2019 (tương ứng là 8,28% và 8,38%), thời điểm chưa có Covid-19. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, tăng 9,66% (quý I tăng 7,72%; quý II tăng 11,45%), đóng góp 2,58% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Điều quan trọng, đó là các hoạt động sản xuất được duy trì và tăng trưởng ở 61 địa phương trong cả nước. Trong đó, nhiều địa phương có chỉ số IIP tăng cao như Bắc Giang (tăng 48,9%), Quảng Nam (tăng 25,4%), Bắc Ninh (tăng 19,8%)… Đây cũng chính là những địa bàn sản xuất công nghiệp trọng điểm của cả nước, do vậy cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022.
Mức tăng trưởng trong quý II và 6 tháng là rất tích cực. Thế nên, Ngân hàng UOB đã ngay lập tức điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ mức 6,5% lên 7%. Sự phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2022 cùng triển vọng tích cực 6 tháng cuối năm là những lý do chính khiến UOB điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2022. UOB thậm chí còn dự báo rằng, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm có thể ở mức 7,6-7,8%.
Dự báo của UOB cũng tương đồng dự báo của chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh. Theo ông Cao Viết Sinh, do tăng trưởng GDP quý III và quý IV năm ngoái ở mức thấp, thậm chí quý III âm tới 6,02%, nên tăng trưởng quý III và quý IV năm nay sẽ cao và do đó, cả năm có thể tăng trưởng trên 7%.
Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng đầu năm tăng, song sức khỏe ngành sản xuất cũng như tiêu dùng đã tốt lên |
Lường trước rủi ro
Dù xu hướng phục hồi của nền kinh tế là mạnh mẽ, bao gồm không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, mà cả nông nghiệp và đặc biệt là dịch vụ, song những rủi ro, thách thức trong 6 tháng cuối năm cũng không phải là nhỏ.
Một trong những khó khăn lớn nhất chính là xu hướng tăng giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất. Điều này, trên thực tế đã xảy ra trong 6 tháng đầu năm và được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm, cả Chỉ số giá sản xuất, Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất, Chỉ số giá xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Chẳng hạn, Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý II tăng 2,1% so với quý trước và tăng 5,11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, mức tăng là 4,75% so với cùng kỳ năm 2021. Còn Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý II/2022 tăng 2,23% so với quý trước, tăng 6,38% so với cùng kỳ năm 2021, tính chung 6 tháng tăng 6,04%.
Trong khi đó, Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý II/2022 tăng 3,31% so với quý trước và tăng 8,56% so với cùng kỳ năm 2021, 6 tháng tăng 8,03% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa còn tăng cao hơn, tương ứng tăng 2,62% so với quý trước, 11,43% so với cùng kỳ năm 2021, tính chung 6 tháng tăng 11,21%. Điều này dẫn tới tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT) 6 tháng giảm 2,85% so với cùng kỳ năm trước.
“TOT giảm do Chỉ số giá xuất khẩu có mức tăng thấp hơn mức tăng của Chỉ số giá nhập khẩu. Có nghĩa là, Việt Nam đang ở vị trí không thuận lợi khi giá hàng nhập khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng xuất khẩu”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giải thích.
Chi phí đầu vào tăng cao, trong khi để xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam lại phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, không chỉ hiệu quả sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu không cao, mà doanh nghiệp còn đối mặt với những khó khăn không nhỏ.
“Giờ rất nhiều doanh nghiệp ‘chết đứng’ vì giá xăng dầu, vì chi phí logistics”, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định.
Không chỉ về giá, UOB còn cho rằng, những rủi ro, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt là hiện hữu. Một trong số đó là xung đột Nga - Ukraine làm giá năng lượng và lương thực tăng, thậm chí còn là gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh đó, một cái khó khác cũng khiến các ngành sản xuất gặp nhiều trở ngại trong quá trình phục hồi sản xuất, đó chính là tình trạng thiếu nhân lực. Trong cuộc gặp gỡ cách đây ít ngày, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, bà Phạm Thị Tình, đại diện Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam cho biết, sau thời gian dài nghỉ việc, tay nghề của lao động đi xuống, doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại. Hơn thế, dù giá nhân công trong lĩnh vực này tăng, nhưng vẫn không đủ sức để “giữ chân” lao động.
Những rủi ro, thách thức này nếu không sớm được xử lý sẽ ảnh hưởng lớn tới khu vực sản xuất và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.