Thời sự
Sản xuất tiếp đà cải thiện mạnh mẽ nhỡ số đơn đặt hàng mới tăng
Thế Hải - 03/10/2022 16:03
Sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 9 và 9 tháng 2022 thể hiện ở sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng mạnh hơn.
Sản lượng ngành sản xuất đã lấy lại động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 9/2022.

Báo cáo sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 9 và 9 tháng 2022 của Bộ Công thương cho thấy những điểm sáng trong hoạt động sản xuất, khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) "tăng tốc" tại hầu hết các địa phương.

Theo Bộ Công thương, thực tế, sản lượng ngành sản xuất đã lấy lại động lực tăng trong tháng 8 sau khi đã chậm lại trong tháng 7 khi các công ty tiếp tục phục hồi từ đại dịch Covid-19 và có số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,7 điểm trong tháng 8, tăng so với 51,2 điểm của tháng 7 cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất với 3 điểm nổi bật: Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng mạnh hơn; Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã chậm lại đáng kể; Thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn lần đầu trong 33 tháng.

Đây là những điều kiện thuận lợi để sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh trong tháng 9 và 9 tháng/2022.

Báo cáo nêu rõ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2022 tăng 1,8% so với tháng 8/2022 nhưng tăng tới 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, IIP tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 6,03% do đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.
GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 12 năm qua

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP 9 tháng tăng ở hầu hết các địa phương (61 địa phương tăng, 02 địa phương giảm).

Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng cao trong 9 tháng năm 2022 do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (như Bắc Giang tăng 46,6%; Cần Thơ tăng 37,1%; Quảng Nam tăng 30,3%; Vĩnh Long tăng 30,7%; Đắk Lắk tăng 11,4%; Kiên Giang tăng 26,8%; Khánh Hòa tăng 26,8%; Bến Tre tăng 24,2%.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao do thủy điện tăng cao (như Đắk Lắk tăng 44,4%; Lai Châu tăng 25,6%; Sơn La tăng 27,5%).

Đồng thời, chỉ số IIP của một số địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thành phố Hồ Chí Minh tăng 19,64% (cùng kỳ giảm 12,9%); Vĩnh Phúc tăng 15,05%; Quảng Ninh tăng 6,66%;...

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh (như Lào Cai và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng tăng 8,7%; Quảng Ngãi tăng 8%; Bắc Kạn tăng 6,9%; Ninh Bình tăng 3,7%; Hà Tĩnh giảm 11,5%)...

Cũng theo báo cáo, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,42%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 2,8%).

Tin liên quan
Tin khác