Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong một phiên họp của Quốc hội khoá XV. |
Tiếp tục hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, từ 9h50 đến 11h20 sáng nay (12/11) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trước đó, 4 thành viên Chính phủ gồm Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động, Thương binh và xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư đã đăng đàn, trả lời nhiều vấn đề được đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Nhiều thành viên khác của Chính phủ cũng đã tham gia giải trình về phòng chống dịch, lao động, việc làm.... liên quan đến lĩnh vực được giao phụ trách.
Phiên chất vấn các Bộ trưởng được tiến hành theo nhóm vấn đề, còn với với Thủ tướng thì không có nhóm vấn đề được xác định trước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt tại tất cả phiên chất vấn trong hai ngày 10 và 11/11. Một số vị đại biểu khi chất vấn các thành viên Chính phủ khác cũng đã đồng thời gửi câu hỏi đến Thủ tướng.
Đại biểu Lưu Văn Đức ( Đắk Lắk) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã đồng thời đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về việc cơ cấu lại địa bàn và lĩnh vực đầu tư theo lao động để người lao động hạn chế di cư, để việc "ly nông mà không ly hương".
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng gửi đến Thủ tướng câu hỏi: tại Hội nghị COP26 Thủ tướng đã cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030, tuy nhiên dịch bệnh sẽ còn ảnh hưởng trong nhiều năm tiếp theo, đời sống người dân, doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Để tồn tại và phát triển thì nhiều ngành sản xuất dẫu biết rằng ảnh hưởng nhất định đến môi trường xong vẫn phải duy trì hoạt động, nếu như phải lựa chọn giữa thực hiện cam kết quốc tế với phát triển sản xuất để bảo đảm đời sống người dân thì sự lựa chọn của Thủ tướng là gì và để không phải lựa chọn thì giải pháp nào mà Thủ tướng đưa ra để vẫn thực hiện được cam kết quốc tế nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng và đời sống nhân dân?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng đồng thời gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đó là, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch thì cần một gói hỗ trợ đủ lớn về tài khóa, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt tương đương với khoảng 3% đến 4% GDP. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ vượt chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước, tăng nợ công, tăng nợ Chính phủ. Còn nếu không có các giải pháp hỗ trợ đủ lớn thì nền kinh tế sẽ chậm được phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước và kèm theo là nhiều hệ lụy tiêu cực.
Vậy thì chúng ta chấp nhận thâm hụt ngân sách, vượt trần nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều, không đủ kịp thời?, đại biểu Hiển nêu chất vấn.
Cũng gửi câu hỏi cho Thủ tướng, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nói, cử tri cho rằng hiện nay kỷ luật đầu tư công đang rất lỏng lẻo, có nhiều sai sót về quy trình, thủ tục nợ đọng xây dựng cơ bản... Đặc biệt là chưa hình thành quy trình quản lý về mặt hiệu quả. Nhiều dự án đầu tư không thực hiện các bước theo dõi, đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế - xã hội với hiệu quả, thẩm định. Đây là bước rất quan trọng để có thể chỉ ra những yếu kém, lỗ hổng và xác định trách nhiệm để xảy ra những dự án lãng phí, không hiệu quả. Vậy đâu là nguyên nhân của những hạn chế trên? giải pháp nào để khắc phục những hạn chế trên, đặc biệt là siết chặt kỷ luật đầu tư công một cách căn cơ trong thời gian tới?
Trước đó, theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội về nội dung đề xuất chất vấn của các đoàn đại biểu Quốc hội, thì chủ trương, giải pháp, kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với việc phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống là nội dung được đề xuất dành cho người đứng đầu Chính phủ.
Phần trả lời của Thủ tướng cũng sẽ khép lại 2,5 ngày chất vấn tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội.