Thời sự
Bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn: “Cuộc sát hạch” đầu tiên
Nguyên An - 10/11/2021 08:25
Sáng nay (10/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ sau hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách.

Đây là hoạt động được cử tri đặc biệt quan tâm, không chỉ vì ý nghĩa của “cuộc sát hạch” đầu tiên với cả người chất vấn và người trả lời chất vấn, mà còn bởi sau hai năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19, người dân và doanh nghiệp đều hy vọng trách nhiệm giải trình được đảm bảo, để những hạn chế từ nguyên nhân chủ quan có thể vơi dần.

Không phải là những phát ngôn gây sốc, không phải những lời hứa, nhận trách nhiệm chung chung, mà là những chất vấn đúng tầm, trúng vấn đề, những trả lời thắng thắn, sòng phẳng, mới là điều cử tri mong đợi ở “cuộc sát hạch” đầu tiên này.

Về mặt thông tin, khá nhiều nội dung trong các nhóm vấn đề chất vấn đã được đặt lên bàn nghị sự hai ngày qua. Nhưng về tính chất, chất vấn hoàn toàn khác với thảo luận, không phải vô cớ mà vị trí người trả lời chất vấn trực tiếp vẫn thường được ví là “ghế nóng”.

Một vị từng là bộ trưởng chia sẻ rằng, có những ngày rét căm căm, mà áo ông đẫm mồ hôi. 

Đó là khi ông ở vị trí “ghế nóng”, vì cho dù nắm vấn đề chắc đến mấy, thì cũng không bao quát được tất tần tật các nội dung đại biểu hỏi. Và, để khái quát được vấn đề, trả lời sáng, rõ trong 3 phút cho mỗi câu hỏi là kỹ năng cần phải được rèn luyện, chứ không phải tự nhiên mà có.

Bởi thế, đã không ít lần tại các phiên chất vấn ở Quốc hội nhiệm kỳ trước, người trả lời chất vấn được yêu cầu gửi văn bản trả lời tiếp cho đại biểu. Rồi có những vấn đề bộ trưởng trả lời, người chất vấn không đồng tình nên dùng quyền tranh luận; đại biểu khác không đồng tình với người chất vấn nên cũng tham gia tranh luận, khiến cho chủ toạ phải mời các đại biểu trao đổi tiếp ở... hành lang.

Để tránh “sức nóng” tương tự, tại kỳ họp này, các vị đại biểu được lưu ý là thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không tranh luận giữa các đại biểu với nhau.

Nhưng, ngay cả khi các tấm biển tranh luận chưa phát huy tác dụng, thì nghị trường đã “nóng”.

Đất nước đã qua gần hai năm chống chọi với Covid-19, khi nhìn lại, có đại biểu cho rằng, giai đoạn đầu Việt Nam đã “thành công đặc sắc”, vị khác lại rưng rưng vì những mất mát quá lớn, vì những “bài học xương máu” ở đợt dịch gần nhất. Có đại biểu nói rằng, đại dịch đã để lộ ra chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ chủ chốt ở một số nơi, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật, dẫn đến ứng xử vừa không đúng pháp luật, vừa không đúng đạo lý với nhân dân.

Và trách nhiệm của quản lý nhà nước trong những mất mát, những yếu kém trên cũng đã được đại biểu đề cập. Đó rất có thể là “tiền đề” của những chất vấn ngày hôm nay.

Quốc hội luôn đồng hành sâu sắc với Chính phủ. Điều ấy đã được người đứng đầu Chính phủ khẳng định. Những kết quả tích cực trong cả chống dịch và chăm lo an sinh xã hội đều mang đậm dấu ấn quyết sách kịp thời từ cơ quan lập pháp. Việc lựa chọn các nhóm vấn đề xoay quanh chiến lược phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, giáo dục - đào tạo cũng cho thấy, Quốc hội vừa quan tâm sâu sắc những vấn đề mang tính cấp thiết, vừa lo cho thế hệ tương lai.

Quy kết trách nhiệm để xử lý ngay một tổ chức, cá nhân nào đó, chắc chắn không phải là mục tiêu của chất vấn và trả lời chất vấn. Nhưng qua hoạt động này, những ai còn mơ hồ về trách nhiệm - sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm, giải pháp nào còn chung chung - sẽ bớt chung chung. Cơ quan hành pháp cũng sẽ thấy chính sách còn bất cập ở những đâu và khâu thực thi yếu ở chỗ nào. Quốc hội sẽ có thêm cơ sở để quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, cũng như đánh giá được năng lực của những nhân sự được chính Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Như thường lệ, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này cũng được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước cùng theo dõi, giám sát. Đương nhiên, “sức nóng” nghị trường sẽ toả ra cuộc sống, truyền cho cuộc sống những năng lượng tích cực nếu cả người chất vấn và người trả lời chất vấn đều ý thức rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trong giai đoạn đất nước đầy khó khăn, thách thức hiện tại.

Như thế, “cuộc sát hạch” đầu tiên càng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri cả nước.

Tin liên quan
Tin khác