Thời sự
Sao vẫn giữ nguyên mức bội chi 5,3%
Mạnh Bôn - 09/05/2014 08:28
Tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, trong đó tập trung phân tích lý do Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên mức bội chi 5,3% GDP, khi ngân sách không giảm thu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng: Chắt chiu từng đồng để giảm bội chi
Cắt giảm triệt để khoản chi cho sự “hoành tráng”
Đồng thuận nâng mức bội chi
Không ai muốn tăng bội chi, nhưng không tăng không được
Quốc lộ 1A: 200 lễ khởi công, động thổ mới đủ!

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, năm 2013, tổng thu ngân sách vượt khoảng 6.000 tỷ đồng so với dự toán (vượt 0,7%), tăng 31.200 tỷ đồng so với con số đã báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề nghị Quốc hội thông qua mức bội chi năm 2013 là 195.500 tỷ đồng (5,3% GDP), trong khi mức bội chi năm 2013 đã được Quốc hội thông qua chỉ là 4,8% GDP, tương đương 162.000 tỷ đồng.

   
  Thu ngân sách tăng, song Bộ Tài chính vẫn đề nghị giữ nguyên mức bội chi 5,3% GDP tương đương 195.500 tỷ đồng  

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, lý do để Quốc hội tạm đồng ý với mức bội chi 5,3% GDP là theo tính toán ban đầu của Bộ Tài chính, thu ngân sách năm 2013 giảm 25.200 tỷ đồng, trong khi hầu hết các khoản chi không thể cắt giảm.

“Lý do duy nhất điều chỉnh mức bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP là do thu ngân sách năm 2013 dự kiến giảm so với dự toán. Tuy nhiên, cuối cùng, thu ngân sách tăng tới 31.200 tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội, tăng 6.000 tỷ đồng so với dự toán mà vẫn giữ nguyên mức bội chi là không được”, ông Hòa bình luận.

Ông Hòa, một mặt chia sẻ sức ép về việc phải bảo đảm thu - chi của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, song mặt khác cho rằng, việc cân đối thu - chi là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chứ không được đẩy toàn bộ phần bội chi cho xã hội phải gánh chịu.

Đồng tình với việc phải nới bội chi lên trên mức 4,8% GDP, nhưng không thể ở mức 5,3% GDP như đề xuất của Bộ Tài chính, ông Hòa cho rằng, Bộ Tài chính phải tìm thêm các nguồn vốn khác, như thu từ cổ tức tại doanh nghiệp có vốn nhà nước; lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bán vốn nhà nước qua thoái vốn hoặc cổ phần hóa; thu từ bán, cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước…, chứ không đổ tất cả mọi khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước qua thuế, phí và lệ phí.

Theo Chiến lược Quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/7/2012 tại Quyết định 958/QĐ-TTg, thì bội chi ngân sách nhà nước sẽ theo hướng giảm dần, với mục tiêu đặt ra là, tính cả trái phiếu chính phủ, năm 2015, bội chi tối đa ở mức 4,5% GDP; giai đoạn 2016 - 2020, bội chi phải dưới 4% GDP.

“Hiện tại, bội chi ngân sách nhà nước chưa tính tới khoản trái phiếu chính phủ đã lên tới 5,3% GDP, không hiểu nếu tính cả hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ nữa thì liệu năm 2015 có giảm được bội chi xuống mức tối đa 4,5% GDP hay không. Bộ Tài chính cho rằng, bội chi cao là do cần tiền để đầu tư, nếu cứ lấy lý do này làm “nền” để tính bội chi cho các năm sau, thì làm sao có thể giảm được bội chi như Chiến lược Quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Phúc phát biểu.

Nguyên nhân của bội chi, theo ông Phúc, là do phải đầu tư xây dựng trụ sở của nhiều bộ, ban, ngành ở cả Trung ương lẫn địa phương.

“Cần phải tính toán lại và công bố công khai khoản tiền đầu tư xây dựng trụ sở mới, bởi sau khi chuyển trụ sở, các bộ, ban, ngành phải bán trụ sở cũ lấy tiền trả lại ngân sách. Số tiền bán trụ sở cũ chắc chắn là rất lớn và nguồn này sẽ góp phần đáng kể để giảm bội chi xuống dưới mức 5,3%”, ông Phúc nói.

Hiện Nhà nước có khoảng 1,2 triệu tỷ đồng tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nhưng ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước thu tiền về, nhưng không cân đối vào ngân sách để chi tiêu, mà phải sử dụng để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, sử dụng một phần để đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia.

“Mục tiêu của cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là số tiền 1,2 triệu tỷ đồng mỗi năm một sinh sôi nảy nở, tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước qua thuế, phí, lệ phí. Nếu cân đối vào ngân sách để chi tiêu, trước mắt có thể giảm được bội chi, nhưng chẳng mấy chốc số tiền này sẽ hết”, ông Tuấn nói.

Giải thích về đề nghị mức bội chi năm 2013 là 5,3% GDP, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngoài việc phải cấp bù ngân sách cho 6 địa phương hụt thu; bổ sung nguồn thực hiện các chính sách dân tộc - miền núi; bổ sung kinh phí bảo đảm an ninh - quốc phòng, các nhiệm vụ cấp thiết khác, ngân sách tăng thêm 16.540 tỷ đồng cho cho đầu tư phát triển và tăng thêm 16.280 tỷ đồng để thanh toán dứt điểm tiền hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm 2013.

“Giữ bội chi năm 2013 là 5,3% GDP hay 5,1% GDP hay ở mức bao nhiêu là quyền của Quốc hội. Nếu Quốc hội giảm bội chi so với mức 5,3% GDP, buộc Chính phủ phải giảm các khoản chi khác, trong khi khoản chi nào cũng hết sức bức thiết”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội lo ngân khố dễ bị vỡ nợ

(baodaut.vn) Ít có cuộc thảo luận tại tổ nào về dự toán ngân sách nhà nước lại căng thẳng như tại Kỳ họp Quốc hội thứ sáu này do năm tài khóa 2013 và 2014, ngân sách nhà nước đối diện với tăng bội chi, thu ngân sách không đạt kế hoạch và giảm thu so với năm trước… trong khi bài toán thất thoát, lãng phí trong đầu tư công vẫn chưa có lời giải hữu hiệu.

Tin liên quan
Tin khác