Doanh nghiệp
Sắp có "gậy" xử lý phụ phí với dịch vụ vận tải biển
Hương Dịu - 21/03/2016 08:59
Trước thông tin Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá đối với dịch vụ vận tải biển, đại diện các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ vận tải đang rất hy vọng việc luật hóa sẽ giúp giải quyết nỗi bức xúc “lâu năm” này.
Các doanh nghiệp đang "ngóng" Nghị định quy định về phụ phí dịch vụ vận tải biển. Ảnh: H.Dịu

Minh bạch hóa

Theo tờ trình của Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định Quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển và giá dịch vụ cảng, tình trạng phụ thu của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam còn nhiều bất cập do chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý các loại phụ thu này, hơn nữa, các mức thu và loại phí không được các hãng tàu thông báo trước, không công khai, minh bạch. Vì thế, Bộ Giao thông vận tải đề nghị, việc xây dựng dự thảo Nghị định chủ yếu yêu cầu các hãng tàu phải niêm yết công khai, cụ thể các khoản phải thu, cước phí là bao nhiêu…Tuy nhiên, về định giá, các hãng tàu vẫn được tự chủ theo thỏa thuận với doanh nghiệp.

Về vấn đề này, theo ông Phan Thông, tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại lý vận tải SAFI, hiện mỗi hãng tàu thu khoảng 10-14 loại phí khác nhau, có những loại phí rất vô lý, không rõ ràng khiến thị trường vận tải biển “hỗn độn”, mỗi nơi một kiểu. Vì thế, Nghị định ra đời sẽ giúp bình ổn thị trường, để doanh nghiệp thấy được bức tranh rõ rệt về các loại phí mà các hãng tàu được phép thu. Hơn nữa, việc Nghị định không hướng đến việc áp đặt mức phí phải thu là bao nhiêu sẽ giúp quy định chặt chẽ nhưng vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, tự do thương mại.

Theo thống kê báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra phụ phí theo cước vận tải biển của Bộ Tài chính vào tháng 7/2015, tại Việt Nam, các hãng tàu thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gần 70 loại phụ phí các loại. Tính trong năm 2013 và 2014, tổng số tiền thu cước vận tải biển và phụ phí theo cước vận tải biển mà các đại lý thu hộ cho hãng tàu là hơn 77 nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, các hãng tàu thu phí cao hơn so với thực tế phải trả cho dịch vụ của cảng biển Việt Nam.

Cũng nói về tính tích cực của việc ban hành Nghị định, ông Trần Bình Phú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu (Vietfracht) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho hay, tại các quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, cảng biển nào cũng có bảng kê khai biểu giá dịch vụ chung, buộc các hãng tàu trong hay ngoài nước phải áp dụng, giúp doanh nghiệp XK thuận lợi hơn. Nhưng ở Việt Nam, mỗi hãng tàu áp dụng một loại phí, tần suất tăng giá và số lượng phụ phí nhiều đến “chóng mặt”. Vì thế, Nghị định ra đời được hy vọng sẽ mang lại sự minh bạch hơn khi các hãng tàu phải công bố công khai loại phí sẽ thu, sẽ không còn cảnh doanh nghiệp đưa hàng về đến cảng mới biết phải nộp phí gì và phí bao nhiêu, khi “sự đã rồi” thì doanh nghiệp phải chịu.

Hơn nữa, cũng theo ông Phú, khi niêm yết công khai, doanh nghiệp có quyền lựa chọn hãng tàu có cước phí rẻ hơn, ít phụ phí hơn, nếu là doanh nghiệp thực hiện “mua CIF bán FOB”, dù đã được chỉ định hãng tàu thì vẫn có thể dựa vào việc giá niêm yết để thỏa thuận, đàm phán lại với bên mua về việc lựa chọn hãng tàu cho phù hợp. Như vậy, Nghị định được ra đời sẽ tạo áp lực lên các hãng tàu nước ngoài phải giảm bớt những phụ phí vô lý, về lâu dài, các hãng tàu sẽ phải giảm giá để đáp ứng mặt bằng chung và tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.

Sớm áp dụng

Vấn đề về phí, phụ phí trong vận tải biển đã được nhiều lần đề cập, tạo ra nhiều cuộc họp bàn thảo giữa doanh nghiệp với các bộ ban ngành, giữa các bộ với nhau nhưng kết quả cụ thể vẫn còn phải “đợi”, Nghị định vẫn đang nằm trong giai đoạn soạn thảo, chưa công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi hơn từ doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp đều “than thở”, Nghị định áp dụng sớm ngày nào, doanh nghiệp bớt khổ ngày ấy.

Theo ông Nguyễn Tương, Trưởng văn phòng đại diện VLA tại Hà Nội, Nghị định cần sớm được ban hành bởi chính sách được Nhà nước đề ra sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có “cái gậy” để đấu tranh với các hãng tàu nước ngoài nhằm loại bỏ những chi phí vô lý, chi phí tăng cao quá mức. Điều này còn góp tiếng nói răn đe các hãng tàu nước ngoài không “cậy quyền” để làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh, kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế, quan điểm của liên Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương luôn muốn sớm được triển khai để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt, Nghị định đang cố gắng được xúc tiến để hoàn thành trước khi Bộ luật Hàng hải sửa đổi có hiệu lực từ 1-7-2017, tuy nhiên do vướng mắc ở một vài khâu, lệch nhau ở một số điều luật nên việc triển khai còn chậm trễ.

Về việc góp ý cho dự thảo, ông Trần Bình Phú đề nghị, khi có phí phát sinh ở Việt Nam, các hãng tàu nước ngoài không chỉ phải công bố đúng mà ban soạn thảo Nghị định cần cân nhắc quy định thời điểm công bố và thời điểm áp dụng cho các hãng tàu khi thay đổi mức phí. Có thể là sau 15 ngày kể từ khi công bố tăng hay giảm giá cước mới chính thức áp dụng khi kinh doanh, như vậy, các doanh nghiệp sẽ có thời gian để chuẩn bị, cân nhắc.

Hơn nữa, theo đại diện VLA, do tàu chạy quốc tế hàng container chủ yếu là tàu nước ngoài, hơn nữa, dịch vụ hàng hải, logistics hiện nay đã có sự phát triển, thay đổi hơn trước nên các thuật ngữ sử dụng trong Nghị định cần được cân nhắc để vừa chính xác, vừa đầy đủ, phù hợp với các quy định quốc tế cũng như luật về giá, luật hàng hải, không tạo điều kiện cho các hãng tàu lách luật.

Tin liên quan
Tin khác