| ||
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Chí Cường |
Nguồn lực đất đai ngày càng giảm sút
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) về tình trạng nông dân bỏ ruộng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm sút, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, sở sở dĩ xảy ra tình trạng này là do nguồn lực quan trọng nhất của phát triển nông nghiệp là đất đai đang sút giảm.
Chưa kể, tại một số thời điểm, lực lượng lao động của ngành nông nghiệp cũng giảm xuống. Trong khi đó, đầu tư cho nông nghiệp tăng rất chậm.
Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, những năm qua, tăng trưởng mà ngành nông nghiệp có được chủ yếu là do năng suất. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này lại phải bù đắp cho những thiệt hại về thiên tai liên tiếp xảy ra.
Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi kinh tế trong nước và thế giới, nhu cầu tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tăng chậm, làm giá một số mặt hàng nông sản chính sụt giảm, ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân, nhất là bà con thuần nông.
“Để cải thiện thu nhập cho người nông dân, phải thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Hiện nay, Bộ đang xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các đơn vị của Bộ đang tích cực phối hợp với các địa phương, bộ ngành để rà soát lại quy hoạch, xem xét lại cơ cấu ngành hàng để tập trung vào phát triển cây, con lợi thế, có khả năng tăng giá trị gia tăng và dồn lực vào những sản phẩm này. Hiện các tổng cục, các cục, vụ của Bộ và các địa phương đang xây dựng các đề án cụ thể. Đồng thời, lựa chọn những việc trọng tâm, bức thiết để đưa vào htực hiện ngay trong năm 2014”, Bộ trưởng Phát nói.
Theo Tổng tư lệnh ngành nông nghiệp, quan trọng nhất trong triển khai đề án tái cơ cấu ngành không phải là vấn đề kỹ thuật mà chính là phải tạo ra sự quyết tâm, đồng lòng trong xã hội và phải huy động được các nguồn lực xã hội.
Riêng về vấn đề quy hoạch đất lúa, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, những tháng vừa qua, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Thông tư hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi đất lúa theo tinh thần giữ đất lúa, nhưng có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại thu nhập cao hơn cho địa phương mình. Thông tư sắp được ban hành.
Về cá tra, đây là lợi thế của Việt Nam, nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, về lâu dài, Bộ tiếp tục điều chỉnh quy hoạch và xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch đó. Hiện Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sản xuất kinh doanh cá tra, triển khai mô hình liên kết theo chuỗi trong lĩnh vực này.
Về vấn đề trồng cao su miền Trung, đáp lại ý kiến chỉ trích chủ trương phát triển cao su ở những vùng mưa bão là không hợp lý, lãnh đạo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, việc phát triển cây cao su ở vùng này thời gian qua đã được xây dựng trong quy hoạch.
Chủ trương phát triển cây cao su ở miền Trung được nhân dân ủng hộ và đã giúp một bộ phận người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, vừa qua, cơn bão số 10 là cơn bão lớn, do đó thiệt hại là không tránh khỏi.
Mặt khác, nhiều địa phương trồng cây cao su quá sát biển hoặc trồng những giống cao su năng suất lớn nhưng giống cây cao và dễ gãy. Đây là những vấn đề mà Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung rà soát và có chính sách hỗ trợ bà con.
Đã có 200 DN được cấp phép xuất khẩu gạo
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua, xuất khẩu gạo Việt Nam đứng nhất nhì thế giới, nhưng người nông dân không được lợi. Lợi nhuận hầu hết rơi vào tay đội ngũ thương lái và DN xuất khẩu.
Trong khi đó, các tổng công ty lương thực của Nhà nước ký kết hợp đồng tiêu thụ với nông dân rất thấp (chỉ khoảng 10%), lời DN hưởng, lỗ nông dân chịu. Trước tình hình này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cần xem xét lại chuỗi xuất khẩu gạo, tháo gỡ đầu ra cho nông dân.
Trả lời về chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, vừa qua, trên cơ sở yêu cầu của Chính phủ, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và các DN, Bộ Công thương đã sửa đổi các quy định về DN được phép xuất khẩu gạo. Theo đó, số DN đầu mối được phép tham gia xuất khẩu gạo đã tăng từ 100 DN lên tới 200 DN.
“Thực tế, đến thời điểm nay, hầu hết đề nghị của DN xuất khẩu gạo, nếu được sự đồng ý của UBND tỉnh thì đều được Bộ xem xét và cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin.
Về vai trò của đội ngũ thương lái, người đứng đầu ngành công thương khẳng định, đội ngũ thương lái đã tồn tại nhiều năm nay ở nước ta và đã có nhiều đóng góp trong thực hiện chính sách an ninh lượng thực nước ta. Theo Bộ trưởng, chính sách của nước ta hiện nay là bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi sản xuất. Do đó, vai trò thương lái tiếp tục cần được đẩy mạnh thời gian tới.
“Trên thực tế, đa phần bà con nông dân trữ lúa gạo ở trên cánh đồng, ít có trường hợp mang về nhà. DN cũng không có điều kiện vươn tới tất cả ngóc ngách. Như vậy, việc tiêu thụ lúa gạo chủ yếu trông vào thương lái. Vấn đề là làm sao phát huy vai trò tích cực của lực lượng này. Đồng thời, đưa được các ưu đãi trực tiếp của Chính phủ đến được với nông dân”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Về tìm kiếm thị trường cho nông sản, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, thời gian qua, Chính phủ rất nỗ lực duy trì các thị trường truyền thống và tìm kiếm các hợp đồng chính phủ mới cho xuất khẩu gạo. Hiện các hợp đồng chính phủ (nếu các nước thực hiện đúng) chiếm tới 50% sản lượng gạo xuất khẩu nước ta.
Bên cạnh đó, việc tham gia đàm phán các hiệp định thuwong mại tự do, hỗ trợ DN chống các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp… cũng là những giải pháp mà Chính phủ đang tập trung để hỗ trợ đầu ra cho nông sản.
Hà Tâm