Du lịch
“Địa hạt” mới của những lễ cưới xa xỉ tại Việt Nam
Anh Hoa - 08/10/2024 08:40
Các khu nghỉ dưỡng cao cấp thuộc “thủ phủ du lịch” của Việt Nam đang tập trung khai thác “mỏ vàng” đến từ phân khúc đám cưới du lịch xa xỉ, độc đáo.

 

Một đám cưới độc đáo, thận mật được tổ chức tại Ville De Mont Mountain Resort (Sapa).

Lọt vào “mắt xanh” của giới siêu giàu

Việt Nam liên tục lọt vào “mắt xanh” của giới siêu giàu Ấn Độ, trở thành “địa hạt” lễ cưới xa xỉ được các cặp đôi lựa chọn. Hầu hết lễ cưới xa xỉ bậc nhất đều được tổ chức tại các “thủ phủ du lịch” Việt Nam.

Hồi tháng 2/2024, tại khu nghỉ dưỡng Vinpearl Resort & Spa Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra đám cưới của chú rể Vivek Dinodiya, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu toàn cầu PL Global Impex Pte Ltd và cô dâu Anmol Garg cùng hơn 600 khách mời đến từ khắp nơi trên thế giới. Đám cưới này được xem là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Việt Nam và lập tức trở thành tâm điểm của truyền thông.

Lễ cưới được thực hiện và thiết kế mang đậm chất văn hóa Ấn Độ, kết hợp cùng các yếu tố sang trọng. Các dải hoa, vải, đèn lồng theo những tông màu ấm nhẹ được điểm xuyết, cân bằng thông qua những họa tiết trang trí cầu kỳ. Đội ngũ nhân viên sự kiện, các đầu bếp hàng đầu, ban nhạc… được đưa sang từ Ấn Độ để phục vụ, biểu diễn tại lễ cưới.

Ngoài cơ hội nhờ sự tăng trưởng du lịch cưới nói chung của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam còn có lợi thế từ sự quan tâm của nhiều thị trường khách tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, nhất là Ấn Độ - quốc gia có giá trị thị trường cưới đạt hơn 45 tỷ USD vào năm 2022 và ước tính đạt 100 tỷ USD năm 2025.

Trong khi Hạ Long mở màn với lễ cưới triệu USD, Đà Nẵng cũng được lựa chọn là địa điểm tổ chức lễ cưới xa hoa không kém của cặp đôi người Ấn Độ Kashmira và Inderdeep. Lễ cưới của cặp đôi này gây ấn tượng với hơn 1 tấn nguyên vật liệu, trang phục, đạo cụ được vận chuyển từ Ấn Độ sang. Đặc biệt, cặp đôi đã bao trọn 258 phòng nghỉ tại khách sạn 5 sao Sheraton Grand Đà Nẵng để phục vụ khách mời.

Khách tham dự lễ cưới được hòa mình vào không gian tiệc cưới sang trọng với điểm nhấn là những khu vực trang trí bằng hoa tươi kết hợp tone vàng sang trọng làm chủ đạo và đặc biệt là được chào đón bởi những màn biểu diễn nhạc cụ truyền thống Việt Nam.

Đại diện quản lý khách sạn Sheraton Grand Đà Nẵng chia sẻ, để tổ chức các sự kiện lễ cưới với quy mô lớn, đơn vị phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe, từ cơ sở vật chất, đến dịch vụ tổ chức sự kiện chuyên nghiệp.

Trước đó, đảo ngọc Phú Quốc trở thành nơi đánh dấu tình yêu của cặp đôi đến từ Dubai - Prerna và Aditya.

Lễ cưới diễn ra tại không gian của InterContinental Phú Quốc Long Beach Resort với nhiều thú vị bất ngờ khi kết hợp giữa sự sang trọng và những nét lễ nghi truyền thống.

Trong lễ cưới, các nghi thức của đạo Hindu được tổ chức trang trọng để cầu chúc may mắn cho cặp đôi. Tổng cộng 5 nghi thức đã diễn ra ở 5 địa điểm khác nhau của resort, ứng với từng địa điểm là một cụm trang trí riêng được thực hiện bởi Je t'aime Art cùng nhiều đơn vị quốc tế khác.

Được biết, ý tưởng trang trí cho lễ cưới đặc biệt này được nghiên cứu, thực hiện vô cùng công phu gắn với đặc trưng, ý nghĩa và nguồn gốc của những nghi thức. Êkíp thực hiện còn thiết kế khu vực tiếp đón khách mời thành không gian mang màu sắc hologram chủ đạo. Thẻ khách sạn, bảng chỉ dẫn đường đi của resort đều được thay đổi theo chủ đề nhất định. Bên cạnh đó, điểm nhấn của lễ cưới xa xỉ này còn đến từ màn chào đón đặc biệt của đội trống từ New Delhi, đội vũ công, cùng chiếc cổng cưới làm thủ công từ tre Việt Nam nặng gần 1 tấn.

Trước đó, năm 2019, cộng đồng xôn xao với đám cưới của tỷ phú Rushang Shah và nhà thiết kế trang sức Kaabia Grewal. “Siêu đám cưới” kéo dài suốt 4 ngày tại JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc) với 700 khách mời đều thuộc giới thượng lưu. Sự kiện được cho là chưa từng có tiền lệ này trở thành điểm mốc cho loạt đám cưới của giới siêu giàu Ấn Độ tại Việt Nam.

Khoảng 2 năm trở lại đây, khá nhiều cặp đôi “sang chảnh” thay vì xuống biển, lại chọn lên núi để thực hiện đám cưới trong mơ của mình.

Điển hình, Ville De Mont Mountain Resort (Sapa) nằm ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, mang đến tầm view ngoạn mục chưa từng có và biến đổi trong từng khoảnh khắc. Khu nghỉ dưỡng này được thiết kế đặc biệt với kiến trúc đương đại kết hợp kiến trúc bản địa Sapa, thiết kế khác biệt độc nhất mang đến sự sang trọng, có gu và tinh tế trong từng tiểu tiết.

Ville De Mont Mountain Resort là một khu nghỉ dưỡng boutique với 39 biệt thự, phù hợp cho các đám cưới quy mô 60 - 100 khách, có thể bao trọn toàn bộ resort để có một đám cưới riêng tư trọn vẹn. Đại diện Ville De Mont Mountain Resort cho biết, tháng 9/2022, đám cưới đầu tiên được tổ chức tại đây và từ đó đến nay, khu nghỉ dưỡng đã tổ chức khoảng 10 đám cưới. Hiện Ville De Mont Mountain Resort nhận được khoảng 40 “đơn đặt hàng” tổ chức đám cưới trong năm 2025, quy mô khoảng 40 - 60 khách cho mỗi đám cưới.

Đáng chú ý, các cặp đôi lựa chọn khu nghỉ dưỡng để làm đám cưới thường có yếu tố nước ngoài, có thể một trong 2 người là người nước ngoài; cả đôi là người nước ngoài, hoặc cô dâu và chú rể đều là người Việt, nhưng từng học tập, sinh sống ở nước ngoài.

Ngày càng nhiều cặp đôi có yếu tố nước ngoài lựa chọn các khu nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam để tổ chức đám cưới.

Đám cưới phủ màu “chất xám”

Ở các nước châu Âu, điển hình là Pháp và Đức, “destination wedding (đám cưới du lịch/đám cưới điểm đến/đám cưới phương xa) đã được biết đến vào những năm 2000. Từ năm 2008 - 2010, hình thức này phát triển mạnh và dần lan rộng sang Mexico,  Dominican Republic, Hawaii, Jamaica... và hiện phát triển mạnh mẽ tại châu Á.

Mặc dù mới du nhập vào Việt Nam, nhưng hình thức này nhanh chóng được nhiều cặp đôi yêu thích, do hình thức tổ chức độc đáo, mang tính riêng tư và mới lạ. Đặc biệt, Việt Nam là miền đất đẹp, thiên nhiên hùng vĩ, rất tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp cưới, nhất là loại hình đám cưới du lịch quy mô lớn. Tổ chức đám cưới lãng mạn bên bờ biển trải dài tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, đắm chìm trong không gian núi rừng trùng điệp tại Sapa, hay rừng thông lãng mạn tại Đà Lạt… là lựa chọn tuyệt vời không chỉ cho những cặp đôi trong nước, mà còn với cả những cặp đôi ngoại quốc.

Theo quan điểm của The F Lab, một tên tuổi có tiếng trong ngành công nghiệp cưới cao cấp tại Việt Nam, một đám cưới sang trọng phải bộc lộ được nét tính cách của người chủ bữa tiệc.

Bà Giang Bùi, Nhà sáng lập, kiêm CEO của The F Lab cho rằng, xuất phát từ quan điểm đám cưới phải là ngày vui, những ý tưởng của đơn vị lên kế hoạch tổ chức như The F Lab đều phải phù hợp và đáp ứng được tâm tư, tình cảm của các cặp đôi.

Cụ thể, tất cả các chi tiết trong lễ cưới phải khiến khách mời cảm nhận được niềm hạnh phúc của gia đình hai bên và thể hiện được cái “tâm”, cái “tầm” cũng như đẳng cấp của khách hàng.

“Chúng tôi hy vọng, mọi người nhìn thấy sự xa xỉ của một lễ cưới ở chất xám, chứ không phải ở giá cả”, bà Giang Bùi chia sẻ.

Có thể nói, ngành “công nghiệp đám cưới” đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc trong một thời gian ngắn. Hiện ngoài đội ngũ chuyên nghiệp, lĩnh vực này cũng chứng kiến sự xuất hiện của một số người làm nghề tự do và các doanh nghiệp ngành cưới cung cấp dịch vụ đa phân khúc. Điều này phản ánh sự gia tăng về nhu cầu, đặc biệt là từ phía các cặp đôi trẻ đang chuẩn bị cho ngày trọng đại và mong muốn đó là dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời. Họ đã nhận thức được rằng, thuê các bên lên kế hoạch cho đám cưới không chỉ là một lựa chọn, mà là một yếu tố quan trọng. Đây thực sự là một bước đột phá của ngành.

Các cặp đôi trẻ giờ đây quan niệm rằng, đám cưới chỉ diễn ra một lần và mọi người đều tìm kiếm sự đặc biệt. Thay vì phong cách, cách thức tổ chức một lễ cưới đang có xu hướng thay đổi. Các bạn trẻ thời nay mong muốn “cá nhân hóa” ngày cưới của mình và rất chú trọng đầu tư về “nội dung” của các hoạt động, thay vì chỉ tập trung vào những gì hào nhoáng bên ngoài

Họ muốn tạo ra những trải nghiệm cưới đặc biệt, ấn tượng, tạo nên kỷ niệm cho cặp đôi và khách mời là người thân, bạn bè quan trọng.

Họ ưu tiên lựa chọn những địa điểm mang tính biểu tượng với cảm xúc tuyệt vời nhất, chỗ ở đẹp, món ăn ngon, trải nghiệm văn hóa phong phú hơn các đám cưới truyền thống.

Theo dữ liệu từ trang tin Investopedia, chi phí trung bình cho một cặp đôi tổ chức đám cưới tăng từ 29.000 USD vào năm 2023 lên 33.000 USD vào năm 2024. Các cặp đôi ở bang Rhode Island (Mỹ) chi tiêu nhiều nhất với mức trung bình 49.207 USD vào năm 2024, trong khi ở Alaska chi phí trung bình chỉ là 14.444 USD.

Tại Việt Nam, tùy quy mô, số lượng khách, thời gian lưu trú, yêu cầu thiết kế không gian của từng cặp đôi, độ chịu chi, độc, lạ…, chi phí có thể từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Theo The F Lab, đám cưới truyền thống có thể là lựa chọn hợp lý, nhưng các cặp đôi giờ đây có thể tối ưu chi phí cho đám cưới du lịch với kế hoạch tổ chức cẩn thận do các đơn vị tổ chức đám cưới chuyên nghiệp dẫn dắt, điều phối.

Việc chọn khu nghỉ dưỡng trọn gói cho buổi lễ, tiệc cưới và tuần trăng mật có thể giúp chi phí được tối ưu tuyệt đối. Các khu nghỉ dưỡng sang trọng, xa xỉ cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng này để tăng sức hút với khách hàng.

Tin liên quan
Tin khác