Tiếp nối thành công của hai lần tổ chức trước đó vào năm 2009 và 2012, Hội nghị người Việt Nam trên toàn thế giới lần thứ ba với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức.
Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XII với cơ cấu thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XII và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020, Hội nghị người Việt Nam trên toàn thế giới lần thứ ba là hoạt động tập hợp sự tham gia của kiều bào lớn nhất trong năm 2016.
Ban tổ chức cho biết đã nhận được đăng ký của 500 kiều bào từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ là các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, nhà hoạt động văn hóa, xã hội, đại diện lãnh đạo một số tổ chức, hội đoàn người Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban người Việt và các cơ quan của TP.HCM, một số Bộ, ngành, địa phương trong nước giới thiệu.
Hội nghị sẽ tập trung vào những vấn đề của Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước và cũng là nơi có số lượng đông người ra đi, sinh sống ở ngoài nước và gia đình thân nhân kiều bào, là địa phương hiện đang thu hút kiều hối, đầu tư, đóng góp từ chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài nhiều nhất cả nước.
Với 4 chuyên đề tập trung thảo luận các vấn đề bao gồm: phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức; phát triển thương mại, dịch vụ, Hội nghị nhằm truyền tải đến kiều bào thông điệp của Đảng và Nhà nước, khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc; thể hiện sự trân trọng đối với những đóng góp của kiều bào và kêu gọi kiều bào chung tay xây dựng đất nước.
Qua đó, huy động, phát huy trí tuệ của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào đóng góp, hiến kế, tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả cho các vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài, bền vững của đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh; Đưa Thành phố Hồ Chí Minh thành mô hình, cơ sở cho công tác vận động, xây dựng chính sách, huy động đóng góp của kiều bào và thúc đẩy hợp tác giữa kiều bào với các địa phương, nhất là Vùng kinh tế trong điểm phía Nam.
Đồng thời, củng cố mối gắn kết giữa kiều bào với trong nước, xây dựng lòng tin, tạo sự đột phá trong mối liên hệ và phương cách huy động sự tham gia đóng góp hiệu quả của người Việt Nam ở nước ngoài; Xác lập cơ chế hợp tác, hình thành các Nhóm chuyên gia kiều bào tư vấn cho Lãnh đạo Cấp cao và Lãnh đạo Thành phố để thúc đẩy, hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến, chương trình hữu ích, thiết thực có được thông qua Hội nghị.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp kiều bào cũng sẽ được trực tiếp tham gia hoặc đóng vai trò kết nối, quảng bá các dự án thu hút đầu tư trọng điểm của Thành phố với các nhà đầu tư nước ngoài.
Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Cũng trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ chuyên gia, trí thức và doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu.
Sự kiện còn có sự tham dự của Lãnh đạo một số Bộ, Ban, Ngành Trung ương; Lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh; Lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; các Sở, Ban, ngành, các chuyên gia, trí thức, nhà văn hóa, xã hội tiêu biểu; đại diện các trường, viện, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp tiêu biểu có nhu cầu tham dự, hợp tác với kiều bào.
Nội dung các chuyên đề được thảo luận tại Hội nghị:
Chuyên đề 1: “Kiều bào với các vấn đề phát triển bền vững của TP.HCM”: Nêu thực trạng, kinh nghiệm, bài học của các nước, kiến nghị giải pháp hoặc đặt hàng để giải quyết các vấn đề: văn hóa, xã hội, giao thông, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh...
Chuyên đề 2: “Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực của TP.HCM”: Trao đổi các vấn đề và giải pháp đột phá cho giáo dục - đào tạo, đại học, đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu về xây dựng nền công nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đưa Thành phố trở thành trung tâm giáo dục quốc tế của khu vực; đặc biệt là các phương thức nhằm huy động hiệu quả chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia trong lĩnh vực này.
Chuyên đề 3: “Kiều bào với phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức của TP.HCM”: Trao đổi về giải quyết các vướng mắc, lựa chọn và đầu tư cho các lĩnh vực nghiên cứu, khoa học công nghệ tiên tiến, có tính đột phá để sớm đưa Thành phố trở thành trung tâm khoa học công nghệ, kinh tế tri thức và động lực phát triển trong khu vực.
Chuyên đề 4: “Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ cùa TP.HCM”: Trao đổi với các doanh nhân - trí thức kiều bào về các vấn đề đầu tư, thị trường, hệ thống pháp lý; nhận diện các rào cản để kiến nghị tháo gỡ; thiết lập quan hệ, phát huy vai trò của cá nhân và các tổ chức doanh nhân kiều bào nhằm thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường của TP.HCM. Xúc tiến, quảng bá một số dự án thu hút đầu tư trọng điểm của Thành phố để kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.