Theo thông tin mới đây từ Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS), Công ty TNHH Khảo sát Địa vật lý PTSC-CGGV, công ty liên doanh PVS và Công ty CGGVeritas Services Holding B.V (Hà Lan) với tỷ lệ lần lượt 51% và 49%, đang tiến hành thủ tục giải thể. Thông báo này được gửi đến PVS hôm 4/11/2019.
Trên báo cáo tài chính của PVS, giá trị khoản đầu tư vào liên doanh này là gần 598 tỷ đồng nhưng đã được trích lập dự phòng toàn bộ từ cuối năm 2018. Hoạt động thua lỗ của liên doanh buộc PVS phải trích lập dự phòng từ năm 2015 và tăng vọt số tiền trích lập vào năm 2016.
Thời hoàng kim của giá dầu, PTSC-CGGV cùng nhiều công ty con và công ty liên kết đã chia cổ tức, lợi nhuận về PVS. Tuy nhiên, sự lao dốc của giá dầu từ năm 2014 không chỉ khiến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp dấu khí sụt giảm, mà còn là nguyên nhân khiến liên doanh giữa PVS và đối tác Hà Lan không duy trì được hoạt động.
Liên doanh này thành lập năm 2011 và có vốn điều lệ 1.172 tỷ đồng với mục đích cung cấp các dịch vụ thu nhận dữ liệu địa chấn hai chiều (2D) và ba chiều (3D) ngoài khơi trong và ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Việc cung cấp dịch vụ khảo sát địa chấn 3D cho các khách hàng ở Việt Nam được kỳ vọng giúp PVS mở rộng thị trường, mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định, giảm nguồn ngoại tệ phải thanh toán cho nhà thầu nước ngoài…Hai tài sản của Công ty TNHH Khảo sát địa vật lý PTSC-CGGV là Tàu địa chấn 3D Amadeus và Tàu địa chấn 2D Bình Minh 02. Trong đó, Bình Minh 02 là tàu địa chấn 2D được hoán cải từ tàu cá mang tên Pavlovsk hệ Atlantic 333 được mua lại từ nhà thầu Nordic của Nga năm 2003.
Tàu Bình Minh 02 của liên doanh PTSC-CGGV |
Thực tế, đến năm 2014, tổng khối lượng tuyến thu nổ địa chấn 2D đã thực hiện của tàu Bình Minh 02 là 12.753 km, gấp gần bốn lần chiều dài bờ biển Việt Nam. Ngoài mang về lợi nhuận, PTSC CGGV đã góp phần giúp PVN và PVS chủ động trong các hoạt động thăm dò dầu khí ở những vùng biển nước sâu xa bờ, đào tạo nhiều kỹ sư địa chấn người Việt Nam.
Tuy nhiên, giá dầu thô suy giảm từ năm 2014 và duy trì mức rất thấp trong thời gian dài. Các nhà thầu vì đó đã tạm dừng và giãn hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. Kết quả kinh doanh thua lỗ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PTSC, đặc biệt là dịch vụ khảo sát công trình ngầm. Quyết định giải thể ít nhiều chịu ảnh hưởng từ “cơn địa chấn” lan tỏa từ sự sụt giảm giá dầu 5 năm qua.
Do đã trích lập dự phòng từ các năm trước, lợi nhuận năm 2019 của PVS sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc giải thể của liên doanh. Khoản trích lập vào PTSC-CGGV chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản dự phòng đầu tư tài chính gần 1.020 tỷ đồng của PVS. Ngoài PTSC CGGV, PVS cũng đã trích lập dự phòng 100% đối với khoản đầu tư vào CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (gần 172 tỷ đồng) và trên 80% đối với phần vốn góp tại Công ty Khách sạn Dầu khí PTSC (19 tỷ đồng) và Công ty Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi (228 tỷ đồng).
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, cả ba doanh nghiệp PVS đã trích lập dự phòng 100% đều nằm trong danh sách có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. CTCP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi có hệ số nợ/vốn là 22,4 lần. Hệ số này tại Công ty TNHH MTV Khách sạn Dầu khí PTSC và Công ty TNHH Khảo sát địa Vật lý PTSC CGGV lần lượt là 4,8 lần và 3,2 lần.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, PVS thu lãi ròng 637 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 560 tỷ đồng đề ra, doanh nghiệp này đã vượt kế hoạch tới 13,75%.