Theo quyết định của EVN, thời điểm chốt giá trị doanh nghiệp là ngày 1/1/2015, tổng giá trị doanh nghiệp của Genco 3 là 91.433 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 24.600 tỷ đồng. Hiện Genco 3 đang hoàn tất phương án cổ phần hoá để sớm trình EVN và Bộ Công thương quyết định.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN cho hay, tháng 10/2015, phương án cổ phần hoá Genco 3 sẽ được hoàn tất để trình các cơ quan chức năng phê duyệt. Sau đó sẽ tiến hành công bố thông tin chính thức để các đối tác tìm hiểu.
Genco 3 sẽ IPO vào tháng 3/2016 |
Mục tiêu được biết đến bấy lâu trong việc cổ phần hoá Genco 3 là thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 3/2016, sau đó sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu vào tháng 5/2016. Theo lộ trình cổ phần hóa của EVN đã được Chính phủ thông qua, sẽ thực hiện thí điểm cổ phần hóa 1 Genco và sau đó triển khai tiếp 2 Genco còn lại. Các Genco, sau khi cổ phần hóa, sẽ được tách ra, hoạt động độc lập với EVN.
Mặc dù các công việc chuẩn bị cho IPO đang được tiến hành khẩn trương để kịp các mốc thời gian được đưa ra cũng như lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh đã xác định, nhưng việc bán được cổ phần như mong đợi hay không cũng là một câu hỏi không dễ trả lời.
Theo các lãnh đạo của EVN, một trong những nguyên nhân có thể khiến việc bán cổ phần của các Genco gặp khó khăn là tỷ lệ nhà đầu tư bên ngoài được nắm giữ. “Hiện chưa có phương án cuối cùng về tỷ lệ cổ phần sẽ mang ra bán, nhưng EVN muốn bán tới 49%. Nếu bán 25% cổ phần, các nhà đầu tư chưa chắc đã mặn mà mua bởi tỷ lệ này chưa đủ để tham gia vào điều hành hoạt động doanh nghiệp. Nếu tính mua để hưởng cổ tức thì không bõ vì lợi nhuận của ngành điện hiện thấp, chỉ vài phần trăm”, một lãnh đạo của EVN nói với phóng viên Báo Đầu tư.
Với giá trị doanh nghiệp 24.600 tỷ đồng, nếu bán tới 49% theo giá 10.000 đồng/cổ phần thì khoản tiền mà Nhà nước thu về được vào khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Đây là không hề nhỏ. Dẫu vậy, khả năng bán ế cũng hoàn toàn có thể diễn ra.
Trước Genco 3 đã có Tổng công ty Điện lực Vinacomin (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) tiến hành cổ phần hoá và IPO ra công chúng. Đây cũng là tổng công ty phát điện đầu tiên trong số 5 tổng công ty phát điện mà nhà nước nắm 100% vốn tiến hành cổ phần hoá, phục vụ cho triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh như lộ trình đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, việc chỉ có 0,005% số cổ phần được bán thành công trong lần IPO đầu tiên của Tổng công ty Điện lực - Vinacomin hồi cuối tháng 4/2015 cho thấy, sức hút từ sản xuất điện với các nhà đầu tư bên ngoài là không cao.
Theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty Điện lực - Vinacomin được phê duyệt, với số vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng, doanh nghiệp có cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu gồm 680 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Nhà nước sẽ nắm giữ 442 triệu cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 1.608.040 cổ phần, chiếm 0,24% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 236.391.960 cổ phần, chiếm 34,76%% vốn điều lệ. Thế nhưng chỉ có 1.206.300 cổ phần (trong đó, tổng khối lượng đặt mua hợp lệ 1.205.300 cổ phần) đấu giá thành công với mức giá đấu thành công cao nhất là 10.100 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được là 12,053 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Genco 1, đơn vị cũng đang xây dựng phương án cổ phần hoá cho hay, dù muốn hay không, các cổ đông vẫn phải nhìn vào giá điện cùng thời điểm có thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo. Để bán được lượng lớn cổ phần Genco 3, chắc chắn Chính phủ sẽ phải tháo gỡ những nút thắt nhất định. “Genco 1 rất trông chờ kết quả bán cổ phần này, bởi nếu Genco 3 thành công, thì chúng tôi cũng thuận lợi với tư cách người đi sau”, ông Nguyễn Khắc Sơn cho biết.
Mặc dù chưa xác định, song ước ước tính giá trị doanh nghiệp của Genco 1 vào khoảng 17.000 tỷ đồng. “Chúng tôi rất muốn có nhiều cổ đông tham gia mua cổ phần của Genco 1 và có thể mua tới 49%”, ông Sơn nói.