Sau 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng chống dịch COVID-19 đã thu được nhiều tín hiệu khả quan. Một số địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp được cho là cứng rắn và cần thiết, góp phần tích cực vào cuộc chiến chống "kẻ thù" mang tên COVID-19.
Ở nhà là yêu nước
Sáng 1/4, anh Đào Hải Minh (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) bất ngờ khi mảng tường phía trước nhà mình đã được treo một băng rôn đỏ ngay ngắn: “Ở nhà là yêu nước.” Ngay trong ngày đầu Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội có hiệu lực, tổ dân phố 30 tại nơi anh ở đã tích cực vận động người dân thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước.
“Lúc đầu, tôi còn cảm thấy có phần ngột ngạt. Thế nhưng qua mỗi ngày, những thông tin liên tiếp về các ca bệnh ‘không biểu hiện’ khiến gia đình tôi càng lo lắng hơn. Đến lúc ấy, chúng tôi mới thấy ở nhà, hạn chế tiếp xúc tối đa trong giai đoạn này là thực sự cần thiết,” anh Minh chia sẻ.
Thực hiện giãn cách xã hội, công việc của anh Minh cũng bị đảo lộn hoàn toàn. Phòng Gym nơi anh làm việc tạm đóng cửa. Nguồn thu nhập bị gián đoạn. Mọi sinh hoạt của cả gia đình trông chờ vào khoản tích lũy khiêm tốn sau hơn 1 năm đi làm.
“Khá khó khăn khi nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm tăng giá. Tuy nhiên, tôi và người nhà đều xác định: Thà ở nhà mà dập thành công dịch rồi đi làm lại còn hơn là cố ra đường để dịch kéo dài,” nhân viên PT 24 tuổi cười nói.
Cũng giống như anh Minh, hàng triệu người khác tại nhiều tỉnh thành của cả nước đã chấp nhận hy sinh một phần lợi ích cá nhân để chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến trường kỳ với COVID-19. Những khẩu hiệu: Ở nhà là yêu nước được treo khắp nơi, từ đường phố tới cả... mạng xã hội Facebook.
Nhịp sống hối hả 15 ngày trước bỗng dần chậm lại. Thay vì ra đường trà chanh, lượn phố, nhiều người đã chăm chút lại cho vườn hoa bên hông nhà; dọn dẹp lại căn phòng nhỏ của mình như một cách “dập dịch” tích cực nhất.
Tại Hà Nội, những con đường ồn ào xe cộ dần trở nên thưa vắng người. Hàng quán đóng cửa. Người Thủ đô gọi 15 ngày giãn cách đầu tháng 4 là kỳ nghỉ Tết thứ hai và kéo dài nhất trong đời. "Tết Cô vy," "Tết đoàn viên" – đó là cách họ vẫn nói vui với nhau trong những ngày thực hiện “Ở nhà là yêu nước.”
Cứng rắn để... thắng "kẻ thù vô hình"
Bên cạnh công tác tuyên truyền, chính quyền các tỉnh, thành phố cũng thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn để đảm bảo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm. Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xử phạt người ra đường không thuộc diện được cho phép.
Cụ thể, sáng 5/4, 3 Ủy ban nhân dân phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt 3 trường hợp đầu tiên ra đường không có lý do cần thiết. Chế tài phạt đối với các cửa hàng không thuộc diện thiết yếu nhưng vẫn “mở chui” cũng được Hà Nội thực hiện. Đây được coi là tiền đề hết sức quan trọng để một loạt các địa phương khác trên cả nước áp dụng khung pháp lý mang tính răn đe vào các ngày sau đó.
Các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi; sản xuất, buôn bán thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ... cũng được đưa vào diện “đấu tranh đặc biệt” nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, đến hết ngày 14/4, Công an thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 171 trường hợp vi phạm.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện các hành vi lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm trong khi nguồn cung không thay đổi. Đặc biệt là việc tự ý nâng giá thịt lợn tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, lực lượng liên ngành cũng tăng cường kiểm soát chặt đối với các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đối với các cơ sở kinh doanh, cá nhân có hành vi găm hàng, buôn bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp lợi dụng dịch bệnh để đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội nhằm mục đích “câu like”, tăng tương tác để bán hàng cũng bị xử lý. Ngoài yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật, lực lượng chức năng cũng đã xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự nhiều trường hợp vi phạm...
Đặc biệt, trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhiều vụ án liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được đưa ra xét xử. Mới đây nhất, ngày 14/4, Tòa án nhân dân huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Văn Quýnh 12 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ.”
Cáo trạng truy tố bị cáo này cho thấy, ngày 7/4, Nguyễn Văn Quýnh nhiều lần điều khiển xe mô tô qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch được lập tại khu vực sân bóng thôn Thiểm Xuyên, mà không đeo khẩu trang.
Mặc dù được lực lượng chức năng liên tiếp nhắc nhở nhưng Quýnh cố tình không chấp hành, ngang nhiên thách thức và xúc phạm lực lượng thi hành công vụ.
Do Quýnh có hành vi chống đối nên Thượng úy Nguyễn Văn Đức, Phó Trưởng Công an xã Thụy Hòa đã sử dụng điện thoại di động để ghi lại hành vi vi phạm. Tức thì Quýnh tiến đến, giật điện thoại, ném xuống đất với mục đích không cho Thượng úy Đức tiếp tục ghi hình.
Cũng trong ngày 14/4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) tiến hành xét xử sơ thẩm và đã tuyên phạt Trần Văn Mạnh (sinh năm 1966, trú xã Tây Đô, huyện Hưng Hà) 9 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng truy tố, chiều 8/4, tại chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 xã Thống Nhất (Hưng Hà), các thành viên trực chốt phát hiện Trần Văn Mạnh điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm và không đeo khẩu trang đi qua chốt.
Thành viên chốt kiểm soát là ông Nguyễn Văn Tần (SN 1962, trú xã Thống Nhất) yêu cầu Mạnh dừng xe. Tuy nhiên, Mạnh không chấp hành mà có hành vi chống lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho thành viên chốt kiểm dịch.
Những biện pháp cứng rắn với khung xử phạt rõ ràng đã dần tạo thành nền nếp chung cho xã hội, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghĩa tình mùa dịch
Bên cạnh việc áp dụng những biện pháp “rắn”, Chính phủ cũng đã ký ban hành Nghị quyết về gói an sinh xã hội với số tiền lên tới 62.000 tỷ đồng. Theo Nghị quyết này, những lao động nghỉ không lương và người bị tạm hoãn hợp đồng từ một tháng trở lên sẽ được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng.
Để hỗ trợ thêm cho người lao động, các doanh nghiệp khó khăn về tài chính sẽ được vay không cần tài sản thế chấp và hưởng chính sách 0% từ Ngân hàng chính sách để trả thêm một nửa tháng lương nữa cho những người lao động này.
Các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng một năm, tạm ngừng kinh doanh từ 1-4 năm nay sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng tùy theo diễn biến của dịch bệnh nhưng không quá 3 tháng.
Với những người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động hay có hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm cũng sẽ được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
Những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, người được hưởng trợ cấp xã hội được nhận 500.000 đồng mỗi tháng. Còn hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 250.000 mỗi người mỗi tháng và nhận trong một lần cho cả 3 tháng.
Việc thực hiện gói hỗ trợ này trên tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; trong đó Nhà nước cũng ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp giữa ngân sách trung ương và địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ này.
Gần gũi hơn, tại các địa phương, nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong thời gian giãn cách xã hội cũng đã được thực hiện. Những cây ATM gạo miễn phí, siêu thị 0 đồng, điểm phát thực phẩm cho người gặp khó khăn vì COVID-19... lần lượt xuất hiện, giống như những "ngọn lửa" ấm tình người. Hơn lúc nào hết, tinh thần “lá lành đùm lá rách” được phát huy cao độ khi cả nước cùng có chung một mục tiêu chiến thắng "kẻ thù" mang tên COVID...
15 ngày "cắt đứt" chuỗi lây lan
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, kể từ khi được triển khai, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo nên những hiệu quả rất tích cực. Số ca mắc COVID-19 vốn có xu hướng tăng nhanh theo ngày đã được chặn đứng và đi ngang ở mức rất thấp; cá biệt có giai đoạn 2 ngày mới ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Các chuyên gia cũng đánh giá: Khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã khiến các chỉ số di chuyển của xã hội hạ xuống tối đa từ đó góp phần khoanh vùng, cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh.
Tính đến sáng ngày 15/4, tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đã đạt tới 63% với 169 ca trên tổng số 267 ca của cả nước. Tỷ lệ mắc mới trong vòng 10 ngày sau khi thực hiện Chỉ thị 16 giảm xuống nhanh so với 10 ngày trước khi thực hiện, từ 82% xuống còn 25%.
Một số ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát và gỡ dần cách ly y tế như bệnh viện Bạch Mai [dỡ cách ly từ 0 giờ ngày 12/4-PV]; quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh.) Riêng ổ dịch mới tại Hạ Lôi (Mê Linh, Vĩnh Phúc,) công tác đảm bảo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống vẫn đang được thực hiện nghiêm túc với tinh thần “chống dịch như chống giặc.”
Bên cạnh đó, công tác "truy vết" những người tiếp xúc gần với các ca bệnh cũng được thực hiện rốt ráo, chi tiết với sự đồng bộ của các ngành, các địa phương.
Theo ông Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), thời gian 15 ngày qua là quãng thời gian thành công trong việc khống chế dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.
“Hiện dịch không bùng phát, khẳng định giãn cách xã hội là một yếu tố quan trọng mang tới thành công này,” ông Phu nêu quan điểm.
Cũng theo vị chuyên gia này, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa rất lớn vì đã giúp khoanh vùng, tập trung dập dịch. Việt Nam đã thực hiện giãn cách sớm, quyết liệt nên đã không bỏ lỡ "giai đoạn vàng" trong phòng, chống dịch.
“Trước đây, với các ca xâm nhập, người ta khoanh vùng, tập trung lại để biết nguồn cơn từ đâu còn bây giờ dịch lây ra cộng đồng nên rất khó. Vì thế mới cần giãn cách xã hội. Ở nước ngoài đã chứng minh quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ vỡ trận,” phó giáo sư Phu phân tích.
Trong khi đó, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: Giãn cách xã hội hết sức cần thiết “vì có nhiều người không có triệu chứng, lây sang người khác, bởi vậy quan trọng nhất là việc phòng chống. Điều này rất quan trọng, chúng ta cần khoanh vùng cách ly rất nhanh những người tiếp xúc xung quanh.”
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 triển khai công tác phòng chống dịch ngày 14/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cũng nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nên nếu nới lỏng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và "chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài."
Vì vậy, cùng với các biện pháp chống dịch, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đến ngày 15/4, Ban chỉ đạo thống nhất sau khi chỉ thị hết hiệu lực, sẽ đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị mới; trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh./.