TP.HCM kiến nghị giãn cách xã hội đến ngày 30/4/2020 để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 (ảnh: Trọng Tín) |
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, hiện nay, Thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có 54 ca nhiễm. Trong số đó, đã điều trị khỏi bệnh cho 40 trường hợp và chỉ còn 14 trường hợp đang điều trị.
Đối với các khu cách ly tập trung, tổng cộng có 12.000 trường hợp. Trong đó, có 11.760 trường hợp đã hết thời gian cách ly và chỉ còn 240 trường hợp đang cách ly, đây là những người tiếp xúc gần với các ca bệnh phát hiện sau cùng của Thành phố.
Ông Phong cho biết, tại Thành phố, về cơ bản đã không xuất hiện ca nhiễm nào tại cộng đồng từ ngày 3/4 đến nay. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn cao, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã quy định.
“Hiện nay, diễn tiến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ các nước trên thế giới vẫn còn đang rất cao, đặc biệt là các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người như trường hợp bệnh nhân 262 là công nhân của Công ty Samsung tại Bắc Ninh”, ông Phong nói và nhấn mạnh thêm, việc giao thương đi lại từ Hà Nội và các tỉnh thành vào Thành phố vẫn còn nhiều, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người vào Thành phố.
Chưa kể, một số trường hợp sau thời gian điều trị, đã được xét nghiệm âm tính, cho xuất viện dương tính trở lại, xuất hiện dương tính trở lại, đi các nơi, tạo mối nguy cơ rất cao lây nhiễm trong cộng đồng. “Như trường hợp ca bệnh nhân số 22 tại Đà Nẵng, điều trị từ ngày 08/3 - 27/3, từ Đà Nẵng, đến TP.HCM để xuất cảnh ngày 11/4, mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất dương tính”, ông Phong lấy ví dụ.
Do vậy, sắp tới, Thành phố sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, nhất là làn sóng thứ 2 lây nhiễm, trong đó tập trung vào các giải pháp như tập trung cho công tác dự phòng; Tổ chức lại các Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch tại UBND phường, xã, thị trấn thành nhiều Tổ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh...
Ông Phong cho rằng, hiện nay diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, đặc biệt là có thể trong cộng đồng vẫn còn tồn tại những người nhiễm nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng và do những lý do nào đó chưa được phát hiện.
“Do đó, để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình hình dịch bệnh, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4/2020 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch”, ông Phong nhấn mạnh.