Đầu tư và cuộc sống
Sâu lắng "Tết Phố" trong lòng phố cổ Hà Nội
Thanh Nga - 15/01/2020 11:38
Bắt đầu tư ngày 18/1/2020 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) tại các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa Tết truyền thống với chủ đề "Tết Phố".

Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, để chào mừng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đơn vị đã phối hợp với nhóm Đình Làng Việt và các đơn vị khác tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề "Tết Phố" tại Đình Kim Ngân số 42 - 44 Hàng Bạc, Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Trung tâm thông tin di sản phố cổ Hà Nội 28 Hàng Buồm...

Tại phố bích họa Phùng Hưng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hoá hấp dẫn

Chương trình khai mạc chuỗi hoạt động diễn ra vào sáng 24 tháng Chạp (18/1/2020) tại Đình Kim Ngân với các nội dung: Hoạt động sắp mâm lễ của gia đình dòng họ Hà Nội dâng cúng các lễ vật đặc trưng lên Đình; tái hiện đoàn rước lễ từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây sang đình Kim Ngân trong trang phục truyền thống; Lễ cáo yết Thành hoàng; lễ dựng "Cây Nêu" và giới thiệu về "Cây Nêu"; hoạt động diễn xướng dân gian như hát, múa cửa Đình, hát Xoang, múa bồng, hát Chèo, hát Văn...

Bên cạnh đó là hoạt động giới thiệu không gian sinh hoạt Tết truyền thống sẽ diễn ra tại Đình Kim Ngân, tại đây cũng diễn ra Tọa đàm phong tục truyền thống Tết của người Hà Nội và hoạt động diễn xướng dân gian. Giới thiệu không gian đón Tết của gia đình Hà Nội sẽ diễn ra tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây gồm sắp đặt giới thiệu không gian đón Tết của gia đình Hà Nội và hoạt động gói bánh chưng, giới thiệu hình ảnh Tết xưa.

Cũng trong dịp này, tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra không gian trưng bày giới thiệu hình tượng Chuột trong văn hóa dân gian. Hoạt động giới thiệu 3 dòng tranh dân gian (Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng) sẽ diễn ra tại Trung tâm thông tin di sản phố cổ Hà Nội.

Riêng tại không gian nghệ thuật phố bích họa Phùng Hưng sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu, trình diễn một số nghề thủ công phục vụ Tết như: Tranh dân gian, con giống đất, nghề mây tre đan, nghề gốm, nghề gỗ mỹ nghệ, điêu khắc, thư pháp, trò chơi dân gian và một số sản phẩm nông sản đặc trưng của các tỉnh trên cả nước.

Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, đây là các hoạt động văn hóa do chính cộng đồng tổ chức nhằm phát huy các giá trị di sản Phố cổ Hà Nội nói riêng và Hà Nội nói chung.

Tin liên quan
Tin khác