Về cơ bản, vị thế vẫn được duy trì
Từ đầu năm đến nay, đồng yên chứng kiến những biến động mạnh khi trượt giá xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 1986 và buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải can thiệp tiền tệ vào tháng 7/2024 để hỗ trợ đồng tiền này. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã can thiệp để trợ lực cho đồng yên vào tháng 5 khi đồng tiền này rớt giá xuống mức 160 JPY đổi 1 USD.
Sau quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào tháng 7, thị trường chứng khoán và tiền tệ Nhật Bản tiếp tục chứng kiến những biến động lớn. Trong ngày giao dịch 11/8, chỉ số Nikkei 225 ghi nhận mức lỗ trong một ngày lớn nhất kể từ năm 1987 do đồng yên đảo chiều tăng giá mạnh mẽ.
Bảng điện tử hiển thị tỷ giá hối đoái của đồng yên Nhật so với đồng đô la Mỹ tại một công ty môi giới ngoại hối ở Tokyo vào ngày 26/8/2024. Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP |
Gạt bỏ những biến động của đồng yên sang một bên, các nhà phân tích vẫn tin rằng, vị thế trú ẩn an toàn của đồng yên cơ bản vẫn duy trì nhờ "khả năng đoán được" của đồng tiền này.
Đơn cử, ông Ryota Abe, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng thương mại Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cho biết: "Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể gọi nó là 'nơi trú ẩn an toàn' vì thực tế là Nhật Bản vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất [thế giới] và đang chứng kiến thặng dư tài khoản vãng lai và lạm phát [trong nước] bền vững". Thâm hụt tài khoản vãng lại có xu hướng làm suy yếu tiền tệ trong khi thặng dư lại củng cố sức mạnh tiền tệ.
Theo ông Hugh Chung, giám đốc tư vấn đầu tư tại công ty công nghệ tài chính Endowus (Singapore), đồng yên mạnh lên một cách đáng tin cậy khi lợi suất trái phiếu và chứng khoán Mỹ giảm cùng lúc, chẳng hạn ở thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra năm 2020.
Mặt khác, đồng yên có xu hướng trượt giá so với đồng đô la Mỹ khi thị trường e ngại rủi ro nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trong khi chứng khoán giảm mà diễn biến thị trường năm 2022 là ví dụ điển hình khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Giám đốc tư vấn đầu tư Endowus lý giải sự biến động mạnh của đồng yên trong năm nay là do mức chênh lệch lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản. Đơn cử, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức hơn 1%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm là gần 4%.
Ngay trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản gỡ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất vào ngày 18/3, mức chênh lệch lợi suất đó thậm chí còn lớn hơn. Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức 0,796% vào ngày 16/3, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên tới 4,304%.
Thêm vào đó, mức chênh lệch lãi suất cơ bản của Nhật Bản và Mỹ đã dẫn đến hiện tượng đóng giao dịch "carrytrade" - hình thức giao dịch mà ở đó các nhà đầu tư vay lãi suất thấp bằng đồng yên để đầu tư vào tài sản có lợi suất cao hơn ở các thị trường bên ngoài.
Khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất cơ bản, điều này đã thúc đẩy đồng yên mạnh lên, với mức tăng hơn 12% so với đồng đô la Mỹ trong khoảng 3 tuần, từ mức 161,99 JPY đổi 1 USD vào ngày 3/7 lên mức 141,66 JPY/USD vào ngày 5/8.
Ông Hugh Chung cho rằng đồng yên vẫn không mất đi đặc tính nhạy cảm với lãi suất cơ bản của Mỹ và nó sẽ vẫn là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế khó khăn.
Kỳ vọng đồng yên mạnh lên
Theo chuyên gia kinh tế Ryota Abe của ngân hàng SMBC, mức biến động mạnh của đồng yên là do những thay đổi trong môi trường thị trường bên ngoài chứ không phải là do các yếu tố bên trong Nhật Bản.
"Yếu tố góp phần mạnh mẽ nhất" dẫn đến sự biến động mạnh của đồng yên trong tháng 8 là "sự lo lắng thái quá" về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sau khi số liệu thất nghiệp tại Mỹ cao hơn dự báo và mức tăng trưởng việc làm thấp hơn dự kiến.
"Tất nhiên, tôi không hoàn toàn loại trừ tác động của việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất vào tháng 7, nhưng nó chỉ là mức tăng 15 [điểm cơ bản] và phản ứng ban đầu đối với quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khá trái chiều", ông Abe lưu ý.
Cũng theo ông Abe, nếu quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là nguyên nhân gây ra biến động, phản ứng của thị trường sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Đồng thời, chuyên gia kinh tế của ngân hàng SMBC cho biết thêm rằng đồng yên "đáng lẽ phải được mua vào ngay sau quyết định (tăng lãi suất - BTV) của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nhưng thực tế không phải vậy".
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hôm 31/7 đã quyết định tăng lãi suất chính sách lên 0,25% và quyết định giảm tốc độ mua trái phiếu chính phủ xuống còn 3.000 tỷ yên (tương đương 20 tỷ USD). Động thái này được coi là một bước chuyển tiếp, hướng đến bình thường hóa chính sách khi Nhật Bản phải đối mặt với thực tế đồng yên suy yếu đi.
Ông Abe dự đoán rằng đồng yên sẽ giao dịch quanh mức trung bình 145 JPY đổi 1 USD trong năm nay và bất kỳ sự tăng giá nào nữa sẽ phụ thuộc vào tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed, yếu tố mà ông đánh giá là "cực kỳ quan trọng".
Chuyên gia kinh tế của ngân hàng SMBC cũng kỳ vọng đồng yên sẽ tăng giá hơn nữa, đạt khoảng 138 JPY đổi 1 USD vào cuối năm 2025 khi xuất hiện "một số biến động mạnh", thậm chí nó có thể đạt mốc 130 JPY/USD.
Biến động trên có thể đến từ các động thái chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong thời gian tới. Còn trong tình hình hiện nay, ông Abe cho rằng khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thực hiện bất kỳ đợt tăng lãi suất nào "vào lúc này" là thấp.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế của ngân hàng SMBC không hoàn toàn loại trừ khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất bởi nền kinh tế lớn thứ tư thế giới chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến của chi tiêu khi vực tư nhân và điều này có thể củng cố khả năng tăng lãi suất.
Trong khi đó, ông Hugh Chung, giám đốc tư vấn đầu tư Endowus có đánh giá khác khi cho rằng: "Sự biến động của đồng yên có lẽ đã đạt đỉnh điểm trong năm nay do việc hủy bỏ giao dịch 'carrytrade' đã diễn ra và động thái của các ngân hàng trung ương có thể sẽ ít gây ngạc nhiên hơn cho thị trường".
Hai chuyên gia của SMBC và Endowus có chung nhận định rằng hướng đi của đồng yên có thể sẽ phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ.