Thời sự
Sáu nội dung trong chương trình hành động ứng cử ĐBQH của Tổng Bí thư
Nguyễn Lê - 15/05/2021 09:09
Tổng Bí thư cam kết thực hiện chương trình hành động gồm 6 nội dung, nếu được cử tri tín nhiệm tiếp tục bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội (Ảnh Duy Linh).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cam kết khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, sẽ yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp cần thiết, kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, cuối tuần trước, tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không trình bày chương trình hành động của mình như các ứng viên khác mà chia sẻ với cử tri về kỷ niệm tuổi thơ và quá trình công tác của mình.

Mới đây, chương trình hành động của ông đã được đăng tải công khai trên báo chí, cùng với chương trình hành động của các ứng viên tại 10 đơn vị bầu cử trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tổng Bí thư viết: "Nếu được cử tri tín nhiệm tiếp tục bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

2. Liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

3. Dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội. Ngoài ra cố gắng tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn...

4. Tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân sẽ nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người, cơ quan chức năng có thẩm quyền, xem xét, giải quyết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết.

5. Khi cần thiết sẽ chất vấn các cá nhân đứng đầu các cơ quan Nhà nước ở Trung ương về những vấn đề mà cử tri và Nhân dân bức xúc, yêu cầu, kiến nghị.

6. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tôi sẽ yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp cần thiết, kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật".

Hiện tại, nhiều ứng viên đại biểu Quốc hội khoá XV vẫn tiếp tục tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Theo luật, hoạt động này sẽ dừng trước thời điểm bỏ phiếu 24h.

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XV.

Tin liên quan
Tin khác