UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020. Mục tiêu Hà Nội đề ra là tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20-25%, trong đó đường sắt đô thị là 1-3%.
Ảnh minh họa (Internet) |
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến buýt thường với tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến BRT tại điểm đầu cuối và dọc hành lang đường sắt 2A và BRT. Đồng thời, tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông và tuyến BRT.
Thành phố cũng nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ để phù hợp với những đường phố hẹp để tăng khả năng tiếp cận của xe buýt. Phát triển các tuyến buýt kế cận để giảm phương tiện cá nhân, giảm áp lực cho giao thông thành phố. Triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng để tăng thêm sự lựa chọn cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.
Cùng với đó, phát triển hợp lý các loại hình vận tải. Chẳng hạn, đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: Tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu. Dự kiến, số lượng tuyến buýt mở mới đến năm 2020 từ 46 đến 51 tuyến…
Đối với loại hình xe taxi: Phát triển số lượng một cách hợp lý, đảm bảo theo đúng quy định và nhu cầu sử dụng, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xe taxi.
Thành phố cũng sẽ tập trung triển khai xây dựng, rà soát bổ sung các kế hoạch, đề án như: Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2020; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng…
Trước đó, đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 148/TTg-KTN về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng.
TP. Hà Nội tiến hành thí điểm đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường bao gồm: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Đặt nhiều kỳ vọng là vậy nhưng chỉ vỏn vẹn sau 5 năm triển khai thực hiện, các điểm cho thuê xe đạp lại hoạt động khá đìu hiu. Những điểm cho thuê xe đạp đến nay gần như đã mất tích.