Tàu đánh cá vỏ thép TK V011-01do Công ty Công nghiệp tàu thủy Sông Đào
đóng mới
Đây là dấu mốc quan trọng của SBIC nhằm thực hiện Đề án hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản thay thế hàng chục ngàn tàu cá vỏ gỗ thành vỏ thép, đảm bảo sản lượng cũng chất lượng thủy sản và đặc biệt an toàn cho ngư dân trên các ngư trường xa bờ.
Lợi cả ngư dân và ngành đóng tàu
Theo khảo sát của Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy Việt Nam, tàu đánh cá truyền thống của ngư dân trong nước hiện tại chủ yếu là tàu vỏ gỗ, đóng thủ công tại các làng nghề. Vật liệu sử dụng để đóng các tàu này gần như không được kiểm soát. Không an toàn và gây ô nhiễm môi trường là nguy cơ dễ nhận thấy cho ngư dân khi sử dụng loại tàu này, nhất là khi đánh bắt tại các ngư trường xa.
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 24.500 tàu gỗ có nhu cầu chuyển sang tàu vỏ thép. Đội tàu đánh cá vỏ thép có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại trong đánh bắt và bảo quản hải sản cũng sẽ giúp giảm sự xuống cấp chất lượng của hải sản trong quá trình khai thác dài ngày trên biển, tăng hiệu quả lao động và đảm bảo an toàn cho ngư dân. Đồng thời tạo cho SBIC điều kiện để phục vụ nhu cầu đóng tàu nội địa một cách thiết thực.
Theo lãnh đạo SBIC, kinh tế thế giới đang dần hồi phục tuy nhiên thị trường đóng tàu cũng như vận tải biển thế giới và Việt Nam còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các đơn hàng đóng tàu xuất khẩu thường có giá trị lớn nhưng đơn đặt hàng đang sụt giảm, trong khi tàu đánh cá cho thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng.
Lãnh đạo SBIC cũng cho biết thêm: "Dự án này sẽ góp phần vào lợi ích quốc gia, làm thay đổi đội tàu cá vỏ gỗ, trọng tải nhỏ không đi được biển xa và giải quyết việc làm cho người lao động ở các đơn vị thành viên của SBIC .
Ngư dân được thuê mua tàu lãi suất 0% trong thời hạn 5 năm
Đúng 13h30 ngày 23/12/2013, con tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên TK V011-01 đã chính thức rời cảng Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào nhổ neo chạy trên sông theo hướng ra cửa đáy để thử các tính năng. Tàu có chiều dài 25,46m, rộng 6,5m, cao mạn 3,1m, tốc độ lớn nhất ở chế độ chạy tự do trong điều kiện tiêu chuẩn là 10hl/1h. Tàu có đủ điều kiện phục vụ khoảng 8 ngư dân đánh bắt xa bờ trong ngư trình tối đa đến 20 ngày.
Sau 1 ngày chạy thử đường dài, thỏa mãn yêu cầu của các cơ quan liên quan, sáng 27/12, con tàu được bàn giao cho chủ tàu là ngư dân ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ông Nguyễn Ngọc Quế, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào cho biết: “Công ty đã cùng SBIC điều tra, khảo sát truyền thống đánh cá của ngư dân các vùng biển trên địa bàn tỉnh Nam Định và thấy rằng tàu đánh cá lưới rê có hiệu quả cao trên ngư trường. Bên cạnh đó, SBIC muốn người sử dụng phối hợp thực hiện chương trình hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản đó là những ngư dân đang có tàu đánh cá vỏ gỗ và bám biển, sinh sống và làm giàu từ nghề đánh bắt thủy sản”.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Ban Kinh doanh SBIC cho biết thực hiện Đề án thí điểm đội tàu đánh cá vỏ thép nhằm hiện đại hóa đội tàu đánh bắt thủy sản cho ngư dân của Chính phủ, SBIC đã sử dụng nguồn vốn của Tổng công ty, rà soát, thử nghiệm và tập trung đóng thí điểm 6 mẫu tàu đánh cá vỏ thép khác nhau nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của ngư dân các vùng biển ở cả ba vùng Bắc, Trung, Nam.
"Đối với ngư dân, họ sẽ được thuê mua tàu (không bao gồm ngư cụ) của SBIC trong thời gian 5 năm với lãi suất 0%. Mặc dù tàu đánh cá vỏ thép có giá thành ban đầu cao hơn tàu vỏ gỗ cùng công suất, nhưng bù lại, tính an toàn khi đánh bắt thủy sản, đặc biệt là đánh bắt xa bờ và tiện nghi hơn trong sinh hoạt cho ngư dân cũng như hiệu quả cao trong việc bảo quản thủy sản... ", đại diện SBIC khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo SBIC, tàu cá vỏ thép tập trung làm mới sẽ tùy thuộc vào mức độ đánh bắt và loại hình khai thác trên biển, phần lớn là có công suất từ 400 - 800 CV, một số ít 1.000CV, tuổi đời khoảng 20 năm. Do đó, ngư dân cũng hào hứng đầu tư đóng mới tàu vỏ thép bởi Nhà nước có cơ chế cho vay lãi suất ưu đãi.
Trong số tàu được đóng mới, SBIC cũng sẽ đưa ra mẫu tàu dịch vụ cho ngư trường. Loại tàu này có hàm lượng khoa học cao. Tàu có thể làm đá, bảo quản và giúp ngư dân sơ chế hải sản... Tàu dịch vụ sẽ cải thiện việc nâng cao chất lượng thủy hải sản, ngư dân đánh bắt tại các ngư trường xa cũng có thể có những chuyến đi biển lâu hơn.
Mạnh Tùng